Khốn khổ vì nợ tiền đất quy vàng

Cập nhật 06/12/2010 08:45

Hàng ngàn hộ dân ở Đà Nẵng đang nợ tiền đất quy theo vàng đang khốn khổ khi giá vàng liên tục tăng chóng mặt. Nhiều người cho biết họ không còn cách nào để có thể đuổi theo giá vàng mà trả nợ.


Người dân nợ tiền chuyển quyền sử dụng đất quy vàng ở Đà Nẵng đang lâm cảnh bế tắc - Ảnh: H.T
Hàng ngàn hộ dân ở Đà Nẵng đang nợ tiền đất quy theo vàng đang khốn khổ khi giá vàng liên tục tăng chóng mặt. Nhiều người cho biết họ không còn cách nào để có thể đuổi theo giá vàng mà trả nợ.

Bán nhà mới mong trả được nợ

Gia đình chị N.T.A trú tại một khu dân cư mới ở phường Hòa An, Q.Cẩm Lệ. Trước đây, chị thuộc diện phải giải tỏa di dời nên được thành phố chuyển quyền sử dụng lô đất (QSDĐ) và cho nợ 83 triệu đồng, quy ra vàng hơn 8 lượng. Nay đến thời điểm phải trả nợ nhưng nhìn giá vàng nhảy múa suốt thời gian qua, khiến gia đình chị mất ăn mất ngủ. Là viên chức ở một cơ quan nhà nước, thu nhập hai vợ chồng khá khiêm tốn, tằn tiện lắm gia đình mới đủ trang trải và lo cho hai con đến trường. Chị N.T.A phân trần: "Thực tình cũng muốn trả cho xong nợ, nhưng để dành được đôi chút thì giá vàng lại leo thang, không biết đến bao giờ mới đủ. Trước đây khoản nợ quy theo vàng là 83 triệu đồng, giờ đã lên thành trên 240 triệu đồng rồi".

Tương tự, là trường hợp của nhà anh V.T ở phường Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn. Trước đây, nhà anh thuộc diện giải tỏa, được bố trí một lô đất để làm nhà và cũng nợ tiền chuyển QSDĐ 80 triệu đồng quy ra vàng. Vay mượn khắp nơi, từ người thân, đến bạn bè, anh V.T cũng dựng lên ngôi nhà cấp 4.

Chưa vui chuyện an cư, thì nay anh phải bán nhà chuyển sang ở nơi khác xa trung tâm thành phố để sinh sống. Anh cho biết gánh nặng nợ nần từ việc vay mượn làm nhà và áp lực trả nợ đất quy vàng đã khiến gia đình anh không còn tâm trí để làm ăn. May cho anh là người mua nhà thông cảm hoàn cảnh, ứng trước tiền để anh trả nợ đất, lấy sổ đỏ, rồi làm thủ tục mua bán, sang tên...

Theo Công ty xây dựng và phát triển hạ tầng Đà Nẵng, tại công ty này đã có tới 713 hộ nợ tiền chuyển QSDĐ quy vàng với số tiền hơn 75,8 tỉ đồng. Công ty vật liệu xây dựng - xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng cũng có hàng trăm hộ dân nợ tiền đất quy vàng với số tiền 200 tỉ đồng. Toàn TP Đà Nẵng hiện có hàng ngàn hộ dân nợ đất quy vàng với số tiền hàng trăm tỉ đồng.

Giữ "sổ đỏ" làm tin

Hầu hết các công ty, đơn vị được UBND TP Đà Nẵng giao nhiệm vụ bố trí tái định cư đều kiêm thêm việc thu nợ tiền sử dụng đất. Theo quy định của UBND TP Đà Nẵng, các hộ dân nợ tiền sử dụng đất quy vàng thì không được cấp giấy chứng nhận QSDĐ (hay còn gọi là sổ đỏ). Vì vậy, muốn mua - bán, buộc lòng người dân phải trả toàn bộ nợ cho đơn vị quản lý.

Giá vàng tăng mấy trăm % trong vài năm qua, nhiều hộ dân đã bất lực, buông xuôi vì không còn cách nào trả nợ nổi. Hiện nhiều đơn vị theo dõi thu nợ đất quy vàng cũng bế tắc, lắc đầu chào thua. Trước tình hình này, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định chuyển tiếp tăng thời hạn cho các hộ dân đã hết hạn 10 năm nợ tiền đất thêm 5 năm nữa (tương ứng thời hạn phải trả nợ là 15 năm); giảm nợ cho các hộ trả nợ trước hạn. Cụ thể: Trả trước 1 năm thì giảm 2%; trước 2 năm giảm 4%; trước 3 năm giảm 6%; trước 4 năm giảm 8%; trước 5 năm giảm 10%...

Vì sao thành phố phải chọn cách quy đổi nợ tiền QSDĐ theo vàng? Ông Nguyễn Văn Cán - Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng - cho biết, đây là phương án tối ưu. Trước đây, UBND TP Đà Nẵng cũng thử áp dụng cách tính theo lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, một thời gian triển khai thì thấy cách tính này không khả thi vì lãi suất thường xuyên thay đổi.

Có thể chuyển sang tiền cộng lãi suất cơ bản

Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng: Việc sử dụng vàng trong hợp đồng mua bán nhà đất trước đó vẫn còn khá phổ biến vì nhiều người muốn bảo toàn đồng vốn (loại trừ vấn đề trượt giá của tiền đồng). Thế nhưng trong năm qua, giá vàng đã biến động quá nhanh ngoài dự báo. Nếu so với mức tăng giá của nhà đất hay lãi suất ngân hàng thì giá vàng đã tăng hơn gấp nhiều lần.

Vì vậy khiến cho nhiều người bị "kẹt" với số nợ chưa trả hết. Đối với trường hợp những hợp đồng giao dịch của Nhà nước với người dân theo diện tái định cư thì nó thuộc phạm vi ngân sách nhà nước. Quan trọng là ngân sách này phải đảm bảo thu về lại được số tiền đã bỏ ra (thường là mang tính hỗ trợ nên không tính lãi).

Vì vậy theo tôi cơ quan nhà nước có thể xem xét lại. Ví dụ hợp đồng tính theo giá vàng của thời điểm quy đổi là bao nhiêu? Số tiền này có thể cộng thêm phần lãi suất cơ bản của Nhà nước trong mấy năm qua thành số tiền mà người dân phải trả. Như vậy mới có thể giúp người dân có thể trả được nợ.

Một chuyên gia tài chính khác tại TP.HCM cũng cho rằng, nếu là các dự án nhà ở tái định cư của Nhà nước thì có thể xem xét hỗ trợ cho người dân theo ngân sách thực hiện dự án nhà ở xã hội đang được triển khai ở nhiều địa phương hiện nay.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên