Khởi động tuyến xe điện đầu tiên

Cập nhật 02/05/2010 08:30

Tuyến xe điện chạy trên mặt đất (tramway) đầu tiên của TPHCM sẽ được khởi công vào 8.2010.

Tuyến xe điện chạy trên mặt đất (tramway) đầu tiên của TPHCM sẽ được khởi công vào 8.2010.

Chạy dọc theo đại lộ Đông - Tây (rộng 8-10 làn xe) và nằm sát bờ kênh Bến Nghé - Tàu Hũ, tuyến tramway sau khi hoàn thành sẽ trở thành một cú hích thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội - du lịch cho thành phố.

Tuyến tramway Sài Gòn – Chợ Lớn – Bến xe Miền Tây dài 12,2km, nối trung tâm Q.1 với các Q.5, Q.6, Bình Tân. Điểm xuất phát tại bến Bạch Đằng (đoạn công trường Mê Linh) đi men theo sông Sài Gòn vượt nóc hầm dìm Thủ Thiêm rồi rẽ vào đại lộ Đông – Tây và đi dọc bờ kênh Bến Nghé – Tàu Hũ, đến đoạn cầu Lò Gốm chuyển sang đường Lý Chiêu Hoàng nối vào đường D2 và đi tiếp kết thúc tại Bến xe Miền Tây.

Theo ông Mạc Đăng Nớp – Phó Tổng GĐ Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ (một trong những đối tác đầu tư dự án) – phương tiện và công nghệ sử dụng cho tuyến tramway Sài Gòn – Chợ Lớn – BX Miền Tây được cung cấp bởi Cty LOHR Industries (Pháp).

Tổng cộng có khoảng 15 đoàn xe điện đưa vào khai thác. Mỗi đoàn xe dài khoảng 32m (gồm 4 toa), chiều rộng 2,2m, chiều cao 2,89m.

Toàn bộ hệ thống kiểm soát vé ứng dụng hình thức thẻ thông minh không tiếp xúc và cửa soát vé tự động.

Trên toàn tuyến có 6 nhà ga chính kết hợp với các trung tâm thương mại lớn (công trường Mê Linh - Q.1, Nguyễn Văn Cừ - Q.5, Đại Thế Giới -Q.6, Bình Tây -Q.6, Lò Gốm -Q.6 và ga cuối BX Miền Tây -Q.Bình Tân).


Loại xe điện mặt đất dự kiến được đưa vào khai thác tại TPHCM.

Ngoài ra, trên tuyến còn khoảng 17 trạm dừng khác đón - trả khách. Để người dân đi lại thuận tiện, hạn chế tình trạng người dân băng qua đường đón xe điện, nhà đầu tư sẽ xây dựng mới một số cầu vượt bộ hành, làm thêm cầu thang cho người đi bộ tại một số cầu vượt đã có sẵn trên đại lộ Đông – Tây.

Tổng vốn đầu tư xây dựng tuyến tramway đầu tiên ước khoảng gần 4.000 tỉ đồng, do liên danh Công ty TNHH XDTM Thanh Danh, Công ty cầu Phú Mỹ và Công ty Titanium Managemen (Malaysia) đầu tư theo hình thức BOT.

Thời gian xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến tramway này dự kiến trong năm 2012.

Ông Mạc Đăng Nớp cho rằng, tuyến xe điện đầu tiên đưa vào khai thác sẽ góp phần cải thiện tình hình giao thông trong khu vực (sức chở của mỗi đoàn xe lên đến hơn 300 hành khách/chuyến), giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm được nhiều thời gian đi lại... Không chỉ giải quyết nhu cầu giao thông, do việc kết hợp xây dựng các trung tâm thương mại lớn tại 6 nhà ga chính cùng với một số trung tâm mua sắm, dịch vụ đã và đang được xây dựng dọc đại lộ Đông - Tây, nên tuyến xe điện còn được xem như một cú hích góp phần tạo thêm sự sầm uất cho các Q.1, 5, 6, Bình Tân.

Hơn nữa, vị trí tuyến xe điện mặt đất chạy sát bờ kênh Bến Nghé – Tàu Hũ và được thành phố chỉ đạo quy hoạch chỉnh trang, nghiên cứu kết hợp với việc mở những tuyến “ghe buýt” trên sông cũng hứa hẹn là một điểm thu hút rất đông lượng khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với TPHCM.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động