Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam (SAC) vừa làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, trình bày phương án dự kiến quy hoạch sân bay quốc tế Long Thành. Theo quy hoạch, sân bay quốc tế Long Thành có quy mô gấp bốn lần sân bay Tân Sơn Nhất.
Sẽ có một hầm đường bộ chui dưới đèo Cả. Ảnh: Mạnh Tâm. |
Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam (SAC) vừa làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, trình bày phương án dự kiến quy hoạch sân bay quốc tế Long Thành. Theo quy hoạch, sân bay quốc tế Long Thành có quy mô gấp bốn lần sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo phương án đề xuất, giai đoạn 1 của sân bay được thiết kế với 30 triệu hành khách/năm, mức đầu tư khoảng 6 tỉ USD. Dự án Cảng hàng không sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000ha, có khoảng 5.000 hộ bị giải toả (trên 3.000 hộ bị giải toả trắng). Kinh phí xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án ước khoảng 2.000 tỉ đồng.
Hơn 10.000ha đất
Về tổng thể, theo giới thiệu, cụm cảng hàng không sân bay Long Thành là điển hình của một hình thái đô thị mới với nhiều chức năng hoạt động mới, với tám khu chức năng. Trong đó, dự kiến chia ra các khu: văn phòng, bãi đỗ xe (cửa ngõ tây nam sân bay); trung tâm trung chuyển và kho hàng bảo quản đông lạnh (hướng tây bắc sân bay); khu chế biến và luân chuyển hàng hoá trong thời gian ngắn (hướng tây nam); khách sạn, dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng...; khu phi thuế quan, chế biến, luân chuyển hàng hoá; tái định cư kế cận khu phi thuế quan; cảnh quan vui chơi giải trí, sân golf, du lịch; khu đất trồng cây công nghiệp, nông nghiệp dự trữ sau năm 2025.
Tổng diện tích quy hoạch đô thị khoảng 10.000ha. Trong đó, nhu cầu sử dụng năm 2025 là trên 3.800ha, năm 2050 là gần 8.000ha. Định hướng tới sẽ phát triển quy hoạch khu công nghiệp và thương mại trong cụm cảng, đảm bảo tính nguyên tắc của một bài toán như: nhà máy, thành phố, vùng thành hệ thống sinh thái khép kín. UBND Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để trong tháng 10, tổng công ty Cảng hàng không miền Nam khảo sát địa chất, thu thập số liệu vùng về hạ tầng, dân cư. Công tác này phải hoàn thành sau một năm, đến tháng 10.2010 phải hoàn tất báo cáo Chính phủ.
9.000 tỉ đồng đào hầm qua đèo Cả
Bộ Giao thông vận tải vừa quyết định chỉ định nhà đầu tư xây dựng công trình hầm đường bộ qua đèo Cả trên quốc lộ 1A (thuộc địa phận huyện Đông Hoà, Phú Yên và huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà) là liên doanh gồm công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh Nam Trung bộ – Tây Nguyên, công ty TNHH Á Châu và công ty TNHH đầu tư – xây dựng Hải Thạch do công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ làm đại diện.
Ngày 8.10, chủ tịch HĐQT công ty TNHH đầu tư – xây dựng Hải Thạch, ông Hồ Minh Hoàng cho biết công trình xây dựng hầm đường bộ xuyên qua đèo Cả trên quốc lộ 1A (Phú Yên – Khánh Hoà) dự kiến khởi công vào ngày 1.10.2010. Trong giai đoạn 1, phần hầm đường bộ qua đèo Cả với quy mô hai đường hầm, mỗi hầm hai làn xe sẽ được xây dựng theo hình thức BOT (đầu tư – khai thác – chuyển giao) và phần đường dẫn hai làn xe được xây dựng theo hình thức BT (đầu tư – chuyển giao). Giai đoạn 2 là việc mở rộng cầu – đường dẫn vào hầm đèo Cả và xây dựng hầm đèo Cổ Mã (thuộc huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà), nhằm đảm bảo toàn tuyến đạt quy mô bốn làn xe. Tổng mức đầu tư cho công trình khoảng 8.800 tỉ đồng. Công tác tuyển chọn các đơn vị tư vấn, nhà thầu trong và ngoài nước tham gia xây dựng công trình này đang được liên doanh nhà đầu tư triển khai cùng với phương án huy động vốn để thực hiện dự án. Phần giải phóng mặt bằng công trình do hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà thực hiện. Dự kiến sau khi hoàn công sẽ triển khai thực hiện thu phí hoàn vốn công trình.
Theo thiết kế, hầm đèo Cả dài 5,7km khởi đầu bằng đường dẫn phía bắc tại xã Hoà Xuân Nam (Đông Hoà, Phú Yên) và kết thúc bằng đường dẫn phía nam tại xã Vạn Thọ (Vạn Ninh, Khánh Hoà); tổng chiều dài đường dẫn là 5,9km. Hai đường hầm song song qua đèo Cả cách nhau 80m, mỗi hầm có chiều rộng 11,5m dành cho hai làn xe, một làn dành cho người đi bộ và lề an toàn. Sau khi hoàn thành, hầm đường bộ sẽ rút ngắn gần 9km so với 12km toàn tuyến hiện nay, giảm thời gian qua đèo 15 – 20 phút. Nếu bình quân mỗi ngày đêm có hơn 4.000 xe qua đèo Cả thì việc xây hầm này sẽ đem lại lợi ích vận tải khoảng 70 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, hầm đường bộ còn góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc quốc lộ 1A liên tục trong mùa mưa lũ…
Xây dựng đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa chỉ đạo các sở ngành nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để trong tháng 11.2009 khởi công dự án đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải. Con đường này có chiều dài 21,3km, nối liên thông hệ thống cảng và các khu công nghiệp chạy dọc sông Cái Mép – Thị Vải, huyện Tân Thành. Điểm đầu tuyến bắt đầu từ cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ và điểm cuối tuyến là cảng Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Theo thiết kế, đường liên cảng sẽ kéo dài xuống cảng Phước An, làm cầu qua sông Thị Vải để nối với đường cao tốc liên vùng phía nam, nhằm rút ngắn đường bộ vận chuyển hàng hoá từ các cảng đến các khu vực của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, đồng thời giảm tải cho quốc lộ 51.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị