Liên tiếp các vụ bán nhà trên giấy bị báo chí phanh phui. Dự án thủ tục đầu tư còn chưa xong nhưng đã được rao bán “suất” mua đất, nhà ầm ỹ. Nhiều người không có thông tin đã đổ xô vào đặt cọc...
Liên tiếp các vụ bán nhà trên giấy bị báo chí phanh phui. Dự án thủ tục đầu tư còn chưa xong nhưng đã được rao bán “suất” mua đất, nhà ầm ỹ. Nhiều người không có thông tin đã đổ xô vào đặt cọc, ký hợp đồng mua đất nhà trên giấy để rồi “khóc ròng” khi gặp phải “Cuội” bán “vịt trời”.
Nhìn lại những vụ việc này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, nhà đầu tư nên tìm tới sàn giao dịch bất động sản hoặc thuê tư vấn để tránh rơi vào bẫy của “cò” đất hay doanh nghiệp ảo, dự án ma...
* Thưa ông, lý do người dân, nhà đầu tư đổ xô đi mua nhà trên giấy là gì? Do tâm lý đám đông hay do thị trường còn quá thiếu minh bạch, người mua không tiếp cận được với thông tin?
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là nhu cầu nhà đất rất lớn trong khi cung lại ít. Bên cạnh đó là sự thiếu chuyên nghiệp ở phía người mua. Người dân khi có nhu cầu song chưa hiểu rõ, thiếu thông tin thì phải tìm hiểu kỹ càng trước khi giao dịch nếu không rất dễ bị thua thiệt.
Thêm vào đó là vấn đề tâm lý, người Việt Nam hay bị tác động bởi tin đồn thổi, mua bán theo phong trào, ít phân tích. Thị trường bất động sản là thị trường có lợi nhuận cao nhưng đồng thời cũng là thị trường mang tính rủi ro cao. Nếu vẫn đầu tư theo kiểu phong trào, nghe đồn thổi sẽ rất nguy hiểm.
* Còn tính minh bạch thì sao, thưa ông? Sao Bộ không yêu cầu các địa phương báo cáo để có thể nắm được dự án nào thật, dự án nào giả?
Trước đây, khi còn cơ chế bao cấp, đơn vị, doanh nghiệp nào cũng có cơ quan chủ quản nên số liệu thống kê khá chính xác. Giờ doanh nghiệp tư nhân rất nhiều. Họ xây cứ xây chứ đâu cần báo cáo. Thế nên, nguồn thông tin có được từ thống kê là không đầy đủ, thiếu chính xác, chỉ ang áng. Nhiều khi nhận định thế này thế kia cũng là cảm tính.
Cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm hoàn thiện khung pháp lý, cung cấp đầy đủ thông tin để định hướng, dự báo, đưa ra chỉ dẫn thị trường cho người đầu tư.
Nhưng bản thân người tiêu dùng cũng phải tự điều chỉnh hành vi của mình. Đầu tư cũng cần chuyên nghiệp, không hiểu biết thì phải tìm tư vấn có hiểu biết, không nên a dua, đầu tư theo lời đồn thổi.
* Vậy làm cách nào để tránh được dự án ảo, doanh nghiệp bán nhà trên giấy, thưa ông?
Nhà đầu tư nên vào sàn giao dịch hoặc thuê tư vấn. Người dân, nhà đầu tư nên quen dần với cách thức thuê tư vấn khi thực hiện một số hành vi có liên quan tới pháp luật.
Mua-bán bất động sản thường có giá trị tài sản rất lớn và được pháp luật quy định chặt chẽ nên một người thông thường khó hiểu biết hết được. Thuê tư vấn sẽ phải trả phí nhất định nhưng đổi lại sẽ có được giao dịch an toàn, chất lượng cao hơn.
Khi vào sàn giao dịch cũng vậy, người dân đến đó cũng có thông tin nhất định. Doanh nghiệp có muốn “luồn lách” gì cũng phải thấy ngại và chắc chắn phải đưa một lượng hàng đảm bảo ra sàn giao dịch dù có thể không được 100%. Dần dần những tiêu cực sẽ bớt đi, tính minh bạch sẽ được nâng dần lên.
* Ông khuyên vào mua bán ở sàn để tránh “cò” đất lừa đảo, song với điều kiện mở sàn giao dịch không quá khó như hiện nay, công ty địa ốc nào cũng có sàn thì độ tin cậy có còn cao?
Không thể lấy lý do còn tình trạng mua bán nhà đất trên giấy hay dự án ma để siết chặt hơn các điều kiện mở sàn. Xu hướng chung là ngày càng phải thông thoáng hơn trong việc thành lập doanh nghiệp. Các nước người ta chỉ mất vài giờ là có thể thành lập doanh nghiệp.
Trong điều kiện như thế thì có doanh nghiệp ma không? Câu trả lời là có. Nhưng không thể vì số ít ỏi doanh nghiệp lừa đảo hay có vi phạm đó mà thắt chặt điều kiện, hạn chế sự phát triển chung của cả cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động nghiêm túc.
Mình phải có công cụ quản lý khác để khắc chế dự án ma hay doanh nghiệp ma chứ không “bịt” theo kiểu đại trà. Nói thật, tới nay, tôi cũng chưa nghe thông tin về sàn giao dịch bất động sản ma.
* Sàn của doanh nghiệp này nhưng lại chào bán nhà đất của nhiều doanh nghiệp khác thì có kiểm soát được chất lượng không?
Ai cũng có quyền mở sàn. Đó là việc cần thiết. Người ta có hàng hóa thì ai cấm được người ta mở cửa hàng để bày bán? Sàn giao dịch bất động sản cũng vậy.
* Trường hợp mua qua sàn giao dịch mà người mua vẫn bị hớ thì giải quyết ra sao, thưa ông?
Nói đi nói lại thì vào sàn giao dịch vẫn là cách tốt nhất để tránh rơi vào bẫy của “cò” nhà đất. Vì chúng tôi đã quy định rất rõ số nhân viên được đào tạo, cấp chứng chỉ và giấy chứng nhận hành nghề trên sàn. Tính chuyên môn ở đây rõ ràng cao hơn nhiều khi nhà đầu tư đi mua ở ngoài. Khi hàng hóa vào sàn ít nhất cũng được công ty kinh doanh sàn giao dịch kiểm tra tính pháp lý của sản phẩm.
Có thể công ty và nhân viên sàn cũng bị lừa nhưng tỷ lệ sẽ thấp đi rất nhiều vì người ta có đủ chuyên môn, nghiệp vụ. Bản thân các sàn này cũng bị ràng buộc quy trình, thủ tục hoạt động. Thế nên, khuyến khích người dân, nhà đầu tư tới sàn giao dịch để tránh “cò” vẫn là xu hướng cơ bản.
* Ông nói tới “chỉ dẫn thị trường” song nhà đầu tư biết tìm thông tin đúng, chuẩn xác ở đâu?
Cung-cầu hiện nay chênh lệch. Cung ít, cầu lớn là có thật nhưng vấn đề còn ở chỗ thông tin thị trường chưa tốt. Chẳng hạn như số các dự án đang hình thành, xu hướng giá cả ra làm sao... chưa thể định hình một cách đầy đủ.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi đang thí điểm chỉ số thị trường bất động sản, bao gồm các chỉ số về lượng giao dịch, loại hàng hóa, giá cả... để “đo” nhiệt độ thị trường giúp người dân và doanh nghiệp dựa vào đó để mua bán, quyết định đầu tư.
Việc này làm hơi chậm bởi thời gian vừa qua thị trường trầm lắng, biến động không nhiều khiến việc “đo” dữ liệu khó khăn. Hiện nay, thị trường đang ấm lên, chúng tôi sẽ đẩy nhanh hơn để có thể sớm đưa ra chỉ số.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân