“Khoảng trống” về quản lý chất lượng nhà ở tư nhân

Cập nhật 28/10/2008 10:00

Sau một loạt các sự cố về chất lượng công trình (CLCT) do tư nhân làm chủ gây thiệt hại lớn về người và của, Bộ Xây dựng đã có các văn bản quy định...

Sau một loạt các sự cố về chất lượng công trình (CLCT) do tư nhân làm chủ gây thiệt hại lớn về người và của, Bộ Xây dựng đã có các văn bản quy định, hướng dẫn, yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý CLCT, đặc biệt là đối với CLCT nhà ở tư nhân.

Tuy nhiên theo đánh giá của các nhà quản lý về CLCT xây dựng, với số lượng cũng như quy mô ngày càng tăng của các công trình có vốn tư nhân, trong khi lực lượng cán bộ chuyên trách ở các cấp lại chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, đã lộ ra những “khoảng trống” trong công tác quản lý CLCT.

Thực tế, qua báo cáo của các địa phương về công tác quản lý CLCT, một điểm chung đó là hầu hết vẫn chưa kiểm soát được CLCT đối với nhà ở tư nhân.

Chủ nhà tự chịu trách nhiệm


Từ thực tế công việc, ông Nguyễn Kim Long, Phó phòng Quản lý kỹ thuật - CLCT Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: đối với công trình nhà ở tư nhân chủ yếu do chủ đầu tư quyết định cũng như tự chịu trách nhiệm về CLCT.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách để bảo đảm CLCT, bởi chỉ những người có chuyên môn thì mới tính được khối lượng sắt thép, độ dày bê tông hay khả năng chịu lực… hoặc thực hiện công tác giám sát. Chủ nhà cẩn thận thì thuê thiết kế, thuê người có chuyên môn giám sát thi công, còn nếu không tự giám sát hoặc nhờ người thân giám sát hộ, thậm chí là khoán trắng cho nhà thầu.

Trong khi đó thợ xây lành nghề thì không nhiều, chủ yếu là lao động nông nhàn. Cho tới nay vẫn chưa có địa phương nào quản lý được lực lượng thợ xây tự do này. Họ thỏa sức hành nghề và không phải xin phép bất cứ một cơ quan quản lý nào.

Khi nêu vấn đề này, một cán bộ quản lý xây dựng - đô thị huyện Thanh Trì cũng cho biết: khi kiểm tra việc xây dựng theo GPXD mới biết, nhiều chủ nhà xin phép xây dựng một đằng, làm một nẻo. Trong hồ sơ xin phép xây dựng thì đầy đủ khảo sát, bản vẽ thiết kế, thi công, nhưng thực tế khi xây dựng lại không có.

Hóa ra việc xin GPXD chỉ là lấy lệ để tránh bị phạt, còn khi xây dựng chủ nhà cũng như nhà thầu lại bỏ hết các quy định, cứ xây theo cảm quan. Thực tế cán bộ quản lý cũng chỉ kiểm tra xem các hộ xây dựng đúng diện tích đăng ký không, lấn đất công, ảnh hưởng xung quanh không, còn các biện pháp bảo đảm CLCT thì hoàn toàn do chủ nhà chịu trách nhiệm.

Trách nhiệm đã rõ nhưng chưa làm được

Vẫn theo ông Long, trong các quy định của Bộ Xây dựng cũng như của TP, đã làm rõ trách nhiệm trong quản lý CLCT từ cấp TP cho tới quận, huyện, phường, xã, trong đó đề cao vai trò của cấp phường, xã. Việc kiểm tra giám sát của các cấp chính quyền không nhất thiết phải thông qua chỉ tiêu kỹ thuật, mà thông qua hàng loạt biện pháp đã được quy định.

Cụ thể như cấp xã, phường làm tốt chế độ kiểm tra, báo cáo, nắm rõ công trình khởi công khi nào, có GPXD hay không… Cấp quận, huyện phải thực hiện nghiêm túc trong thủ tục cấp GPXD. Cán bộ cấp phép nghiên cứu kỹ hồ sơ, thiết kế bảo đảm đúng quy trình, năng lực thi công đã đạt chưa, giải pháp kỹ thuật ra sao… Chỉ cần các cán bộ làm đúng chức trách của mình cũng góp phần sớm ngăn chặn những công trình kém chất lượng.

Tuy nhiên ông Long cũng vạch ra những bất cập trong công tác quản lý khi nói về đội ngũ cán bộ chuyên trách tại cấp quận, huyện cũng như phường, xã hiện nay: “Phòng xây dựng - đô thị của các quận, huyện đang phải đảm nhiệm chức năng của 4 sở, từ xây dựng, giao thông công chính, giao thông vận tải đến bưu chính… Chỉ riêng xử lý sao cho các căn nhà xây dựng đúng GPXD cũng là vấn đề nan giải, huống chi là quản lý CLCT. Trong khi đó để bảo đảm CLCT nhà ở tư nhân, những cán bộ quản lý còn phải đảm nhiệm được việc tư vấn, hướng dẫn cho dân, phát hiện sớm những vấn đề ảnh hưởng tới CLCT…”.

Khuyến cáo


Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về CLCT đưa ra khuyến cáo: “Đối với các cấp chính quyền, hãy đừng để đến khi công trình xảy ra sự cố thì “mới phát hiện được”. Phải quản lý và ngăn chặn ngay từ khi người dân tới xin GPXD. Còn đối với người dân, hãy biết tự lo cho lợi ích và tính mạng của chính mình khi xây nhà, phải làm đúng quy trình, thủ tục, đặc biệt là xin GPXD để được những người có chuyên môn hướng dẫn…”.

Sở dĩ nói như vậy, bởi khi khảo sát những công trình xảy ra sự cố thì hầu hết là không có GPXD hoặc xây dựng sai phép. Các chủ đầu tư cũng không biết nhà thầu đủ năng lực hay chưa. Cho đến khi công trình xảy ra sự cố mới tiếc là không làm tốt công tác khảo sát, không có thiết kế thi công, không biết chọn nhà thầu…

“Nên chăng chính quyền địa phương thực hiện phổ biến, tập huấn những quy định, kỹ thuật xây dựng đơn giản, những kinh nghiệm, bài học trong mua VLXD, lựa chọn nhà thầu... cho các cán bộ cấp phường, xã, bởi họ là người sát sao nhất với dân khi xây dựng” - ông Chủng gợi ý.

Từ vai trò một người làm chuyên môn, kỹ sư Nguyễn Kim Long cũng tư vấn cho người dân: Khi xây dựng nhà, không nên đi tắt, không vì muốn bớt một ít tiền mà bỏ qua khâu khảo sát, bỏ qua bản vẽ thiết kế thi công. Khi chưa tin tưởng tuyệt đối nhà thầu, chủ đầu tư không nên “khoán trắng”, giao phó toàn bộ cho họ, nhất là trong thời điểm hiện nay khi chưa quản lý được các cai thầu xây dựng tự do.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng