"Khoá van" tín dụng BĐS, NH nước ngoài hưởng lợi

Cập nhật 06/03/2008 09:00

Mặc dù Bộ Tài chính đã có kiến nghị Chính phủ cho vay bất động sản (BĐS), nhưng đến giờ phút này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn...

Mặc dù Bộ Tài chính đã có kiến nghị Chính phủ cho vay bất động sản (BĐS), nhưng đến giờ phút này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa có bất cứ văn bản chính thức nào quy định việc này. Một số ngân hàng trong nước vẫn tiếp tục “khóa van” tín dụng BĐS khiến thị trường bị thu hẹp và có nguy cơ rơi vào các đại gia nước ngoài.

Mở... nhỏ giọt

Trao đổi với Báo giới anh Trần Băng Hải, nhà ở quận Gò Vấp cho biết, anh định vay ngân hàng 400 triệu đồng để mua nhà ra ở riêng, nhưng đã đi đến 3 ngân hàng rồi đều nhận được cùng một câu trả lời “Anh nộp hồ sơ rồi chờ nhé”.

Chị Trần Thị Kiều, nhà ở quận 10 cũng rơi vào hòan cảnh tương tự: “Gia đình tôi muốn vay một số tiền để mua một căn hộ chung cư cao cấp. Tuy nhiên, phía ngân hàng nói chờ để nhân viên thẩm định lại hồ sơ xem gia đình mua nhà để ở hay là để đầu cơ?”.

Theo ghi nhận, mặc dù một số ngân hàng đã cho mở lại dịch vụ vay tín dụng BĐS, nhưng hầu hết đều là những khoản vay dành cho các khách hàng truyền thống, có tiềm năng trả nợ thực sự. Còn các khoản vay mang tính chất cá nhân rất khó được ngân hàng đáp ứng.

Lý giải về vấn đề này, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank phân tích: “Bản chất của vay BĐS là trung và dài hạn nên việc lấy vốn ngắn hạn để nuôi dài hạn mang lại rủi ro rất lớn. Vì vậy, dù nguồn tiền dự trữ của ngân hàng còn rất lớn cho đợt giải ngân tín phiếu sắp tới nhưng Sacombank vẫn thận trọng trong các khoản vay BDS.

Trước mắt, Sacombank chỉ ưu tiên cho các khoản vay BĐS đối với nguồn vốn huy động từ các tổ chức nước ngoài có kỳ hạn dài, các khách hàng có nhu cầu mua nhà ở lần đầu, các dự án BĐS đã được phê duyệt, có vị trí đắc địa, dễ sinh lời".

Còn theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Phát triển nhà TP.HCM (HDbank), hiện ngân hàng có chính sách vay BĐS cá nhân rất khắt khe nhằm hạn chế những người mua đi bán lại để đầu cơ. Đối với các DN, ngân hàng chỉ cho vay các dự án địa ốc đã có giấy phép, các dự án mua đất nông nghiệp đều bị tạm ngưng.

Riêng Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thì chỉ ưu tiên cho vay mua đất xây đô thị, khu công nghiệp, sửa chữa nhà..

Ngân hàng nước ngoài hưởng lợi

Trong bối cảnh thị trường cho vay tín dụng BĐS trong nước bị thu hẹp, một số ngân hàng, quỹ đầu tư nước ngoài đã chớp lấy cơ hội nhảy vào lấn sân. Có thể kể đến công ty bảo hiểm Prudential, thông qua sự hậu thuẫn của công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư cân bằng, công ty cho thuê tài chính của mình..., Prudential vừa cho ra mắt sản phẩm cho vay tín chấp dành cho đối tượng khách hàng có hộ khẩu ở TP.HCM và KT 3.

Theo đó, khách hàng không cần tài sản thế chấp, không cần công ty bảo lãnh, chỉ cần có thu nhập từ 4,8 triệu đồng trở lên/tháng sẽ được xét cho vay tiền.

Trước đó, Prudential cũng giới thiệu sản phẩm bảo hiểm Prulink-(Phú-Bảo gia đầu tư) vừa có thể bảo vệ tài sản cho khách hàng tránh những rủi ro trong cuộc sống, vừa có cơ hội đầu tư hiệu quả(mua nhà, xe...) bằng cách tham gia vào 5 quỹ liên kết đầu tư của công ty (bằng cổ phiếu và trái phiếu).

Hai ngân hàng HSBC và ANZ, vốn là hai đối tác cho vay mua căn hộ cao cấp của một số công ty BĐS trong nước, nay cũng có kế hoạch tấn công vào mảng thị trường cho vay nhà sở hữu cá nhân. Ngân hàng BNP Parisbas (Pháp) có mặt tại Việt Nam từ thập niên 90 cũng “nhanh chân” liên kết với Ngân hàng TMCP Phương Đông mở dịch vụ cho vay BĐS.

Mới đây nhất là việc Công ty Tài chính quốc tế (IFC-thành viên của Ngân hàng Thế giới, World Bank) cho ngân hàng Sacombank vay thêm 300 tỷ đồng để triển khai chương trình cho vay mua, sửa chữa nhà với thời hạn và lãi suất ưu đãi (lần đầu cho vay 500 tỷ đồng).

Ngoài ra, các quỹ đầu tư nước nước ngoài với tiềm lực tài chính hùng mạnh, cũng sẵn sàng liên kết, mua lại hay thay thế các DN trong nước không đủ khả năng triển khai các dự án BĐS có tiềm năng. Mới đây, quỹ đầu tư VinaCapital đã “hất cẳng” một công ty xây dựng trong nước để “xí phần” một dự án khu đô thị du lịch sinh thái ở Đồng Nai, mua lại một dự án căn hộ cao cấp ở trung tâm quận 3, TP.HCM.

Rồi quỹ đầu tư IndochinaCapital cũng đổ tiền đầu tư một loạt dự án BĐS "ngon ăn" tại Đà Nẵng và Hội An... Đó là chưa kể một loạt quỹ đầu tư khác như Dragon Capital, Anpha Capital... cũng đang "lăm le" nhảy vào lĩnh vực địa ốc.

Theo VTC News