Khó xét xử tranh chấp ở thời kỳ chuyển tiếp Luật Đất đai

Cập nhật 25/06/2014 08:56

Một tuần nữa, Luật đất đai 2013 có hiệu lực song nhiều chuyên gia e ngại sẽ khó áp dụng xét xử ngay bởi còn thiếu các văn bản hướng dẫn.

Một tuần nữa, Luật đất đai 2013 có hiệu lực song nhiều chuyên gia e ngại sẽ khó áp dụng xét xử ngay bởi còn thiếu các văn bản hướng dẫn.

Hôm qua tại hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển lo ngại khó xét xử án liên quan đất đai ở thời điểm chuyển tiếp từ Luật đất đai 2003 sang luật năm 2013. Những vụ đất đai đang tranh chấp hoặc đang vướng mắc thủ tục... nếu giải quyết theo luật cũ có thể sẽ bị “tuýt còi”, song áp dụng luật mới nhiều khả năng sẽ khó vì chưa có hướng dẫn.

Thứ trưởng cho rằng sau gần 10 năm triển khai, Luật Đất đai năm 2003 tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác quản lý nhà nước về đất đai còn một số hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, các thủ tục hành chính về đất đai. Lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng, nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thị trường bất động sản phát triển không ổn định, giao dịch “ngầm” còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp.

Ví dụ điển hình trong giải quyết đất đai để lại hậu quả tiêu cực được ông đưa ra là vụ án Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Theo ông, một trong những nguyên nhân khiến vụ việc đi quá xa là luật cũ không có quy định cụ thể. Điều này đã được khắc phục trong luật mới.

Thứ trưởng một lần nữa nhấn mạnh những vấn đề được đổi mới trong Luật Đất đai 2013 và yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là kiên quyết “mạnh tay” với những nhà đầu tư, những dự án chậm tiến độ. Cụ thể, với những dự án 18 tháng chưa thi công hoặc sau 24 tháng việc thi công với tiến độ “rùa bò” thì phải tăng tiền sử dụng đất rồi ra hạn thêm 2 năm. Nếu sau 2 năm, dự án vẫn chậm thi công thì buộc thu hồi đất để tạo cơ hội cho những nhà đầu tư đảm bảo năng lực.

Với những nhà đầu tư nước ngoài, ông Hiển cho hay họ có nguyện vọng lớn là được cấp quyền thế chấp đất tại các ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề này cần nghiên cứu thêm, chưa thể quy định trong Luật Đất đai lần này. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chỉ có thể thế chấp đất để vay vốn tại các ngân hàng trong nước.

Luật Đất đai năm 2013 có quy định cụ thể về bồi thường để đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. Chẳng hạn, phương án bồi thường tái định cư phải được phê duyệt đồng thời với quyết định thu hồi đất. Nhà nước bồi thường việc di chuyển thay vì hỗ trợ như trước đây, sẽ có mức cụ thể chứ không phải địa phương có khả năng bao nhiêu thì hỗ trợ bấy nhiêu. Việc chi trả bồi thường được quy định chặt chẽ, phải chi trả trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi đất, chậm chí trả thì phải thanh toán thêm khoản tiền chậm trả theo quy định quản lý thuế.

Về phía người dân, nếu không nhận tiền bồi thường thì tiền đó được gửi vào tài khoản tạm quản lý của kho bạc Nhà nước. Quy định mới này buộc người sử dụng đất phải cân nhắc để nhận tiền bồi thường và giao đất tránh tranh chấp kéo dài bởi họ phải tính đến vấn đề đồng tiền mất giá.

Viện phó VKSND Tối cao Nguyễn Thị Thủy Khiêm. Ảnh: Bảo Hà.

Ngày 1/7, chỉ một tuần nữa, Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, tuy nhiên, nhận định chung của đại diện VKS các tỉnh, huyện ở các đầu cầu trực tuyến trong hội nghị là còn có nhiều quy định chưa rõ ràng, khó giải thích về mặt từ ngữ và khó áp dụng vào vụ án cụ thể.

Ông Võ Quang Huy (Trưởng phòng 12, VKSND TP HCM) thắc mắc, trong Luật Đất đai 2013 có nhắc tới Tổ chức dịch vụ công nhưng chưa thấy giải thích rõ tổ chức dịch vụ công về đất đai là tổ chức nào, cơ quan nào có thẩm quyền thành lập, quản lý. "Điều này gây khó khăn cho người dân. Nếu cần khiếu nại, họ không biết khiếu nại ở đâu, ai đứng ra giải quyết?", ông nói.

Điểm nữa theo ông là luật xác định thẩm quyền cấp ban hành quyết định thu hồi đất nhưng cơ quan nào có thẩm quyền ban hành quyết định bồi thường lại chưa rõ. Trước đây, mọi người hiểu rằng cơ quan nào có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất thì có thẩm quyền ban hành quyết định bồi thường. Nhưng hiện nay, có nhiều cách hiểu khác nhau về mặt quy định gây khó khăn cho cơ quan quản lý, cho người dân trong việc khiếu kiện tại các vụ án hành chính.

Vẫn theo ông Huy, Luật Đất đai 2013 quy định cơ quan có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường chậm phải thanh toán thêm một khoản tiền chậm trả dựa trên khoản tiền và thời gian chậm trả. Song ông không biết quy định này căn cứ điều khoản nào của Luật Quản lý Thuế. Nếu áp dụng, mức chi trả cũng quá cao so với lãi suất ngân hàng…

Còn đại diện VKS tỉnh Gia Lai lại lo lắng khi Luật Đất đai 2013 trao cho người dân nhiều lựa chọn khiếu kiện để giải quyết một vụ việc liên quan đến đất đai sẽ khiến số lượng các vụ án tăng đột biến, công việc của ngành kiểm sát sẽ quá tải.

Bà Nguyễn Thị Thủy Khiêm (Phó Viện trưởng VKSND Tối cao) đề nghị để thực thi và áp dụng tốt các quy định của Luật Đất đai 2013, các cơ quan có trách nhiệm cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành. Sau hội nghị ngày, VKS các cấp khẩn trương tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, kiểm sát viên, nhất là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự, án hành chính liên qua đất đai để nắm vững Luật. Đặc biệt là các quy định liên quan giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.


DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress