Khó vì cách làm không nhất quán

Cập nhật 03/06/2010 14:40

Dự kiến, ngày 9.6 tới đây, UBND quận 1 sẽ cưỡng chế một số hộ dân ngụ tại mặt tiền, tầng trệt chung cư Eden (nằm trong tứ giác Lê Thánh Tôn - Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1) nếu họ không chấp thuận bàn giao mặt bằng.


Một góc chung cư Eden trong khu tứ giác Lê Thánh Tôn - Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Đồng Khởi. Ảnh: Quỳnh Mai.
Dự kiến, ngày 9.6 tới đây, UBND quận 1 sẽ cưỡng chế một số hộ dân ngụ tại mặt tiền, tầng trệt chung cư Eden (nằm trong tứ giác Lê Thánh Tôn - Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1) nếu họ không chấp thuận bàn giao mặt bằng.

Khu đất này thành phố giao cho Cty cổ phần Vincom thực hiện Dự án (DA) đầu tư xây dựng cụm công trình phức hợp, gồm trung tâm thương mại - dịch vụ khách sạn, văn phòng căn hộ cao cấp cho thuê và bãi đậu xe ngầm. Sự việc chắc chắn sẽ không kéo dài (hơn 2 năm) nếu thành phố có sự nhất quán trong việc bồi thường, giải toả các khu đất vàng.

Khó như giải toả đất “vàng”


Trước khi có quyết định cưỡng chế 11 hộ dân đang sinh sống tại chung cư Eden, UBND quận 1 đã bác đơn khiếu nại. Theo đơn khiếu nại của các hộ dân, họ bày tỏ nguyện vọng được đàm phán trực tiếp với chủ đầu tư (Cty Vincom) về giá bồi thường. Người dân cũng đề xuất giá bồi thường lên đến 310 triệu đồng/m2.

Trả lời đơn kiến nghị của tập thể các hộ dân ở khu tứ giác Eden, UBND quận 1 cho rằng giá bồi thường 310 triệu đồng mỗi mét vuông là không có cơ sở. UBND quận 1 cũng cho rằng, DA đầu tư xây dựng cụm công trình phức hợp gồm trung tâm thương mại - dịch vụ khách sạn, văn phòng căn hộ cao cấp cho thuê và bãi đậu xe ngầm thuộc diện Nhà nước đứng ra thu hồi đất. Nếu chiếu theo quy mô của DA thì đây là DA nhóm A, Nhà nước trực tiếp thu hồi đất chứ không để nhà đầu tư thoả thuận bồi thường như những DA khác.

Như vậy, sau 2 năm, việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị của người dân đã trở lại điểm xuất phát. Lý giải về việc không thay đổi giá bồi thường, UBND quận 1 cho rằng, giá đất để tính bồi thường DA khu tứ giác Eden là khung giá do UBND TP quy định tại thời điểm thu hồi đất, theo mục đích đang sử dụng của đất bị thu hồi được công nhận theo quy định pháp luật. Khung giá bồi thường khu tứ giác Eden được UBND TP phê duyệt cao nhất là 143,9 triệu đồng/m2 căn hộ và thấp nhất là 41 triệu đồng/m2 căn hộ.

Còn nếu tính theo diện tích đất, mỗi mét vuông được bồi thường, hỗ trợ thiệt hại lên đến 370 triệu đồng/m2. Sau khi UBND quận 1 có quyết định cưỡng chế 11 hộ dân thì đã có 5/11 hộ chấp thuận bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, câu chuyện phức tạp trong việc giải toả, thu hồi đất trong khu tứ giác “vàng” đến đây chưa phải là hết, vì vẫn còn gần 300 hộ cư ngụ trong các căn hộ ở các tầng trên trong chung cư Eden.

Khó vì cách làm không nhất quán

Việc giải toả thu hồi mặt bằng khu tứ giác Lê Thánh Tôn - Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Đồng Khởi đã được tiến hành từ 2 năm nay, nhưng chính quyền địa phương đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân cũng như các đơn vị có quyền sử dụng mặt bằng tại đây. Đơn giá bồi thường trong DA này cũng thuộc loại cao nhất cho trường hợp Nhà nước áp giá bồi thường.

Cụ thể, giá đất đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ là 370 triệu đồng/m2. Đối với những căn hộ tầng cao, giá thấp nhất là 41 triệu đồng/m2. Người dân cho rằng, giá bồi thường thấp và yêu cầu chủ đầu tư trực tiếp thoả thuận. Trong khi đó, về phía chính quyền - cụ thể là UBND quận 1 - luôn khẳng định, DA này thuộc diện Nhà nước thu hồi đất. Điều này đồng nghĩa, chính quyền sẽ thực hiện công tác bồi thường, chủ đầu tư chỉ có nghĩa vụ rót vốn. Sau 2 năm giải quyết khiếu nại, UBND quận 1 mới đi đến quyết định sẽ cưỡng chế thu hồi mặt bằng.

Câu chuyện dùng dằng níu kéo quyền sử dụng mặt bằng trong khu tứ giác Lê Thánh Tôn - Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Đồng Khởi chỉ là một trong số gần một chục trường hợp khác đang diễn ra. Cái gốc của vấn đề nằm ở chỗ, có những DA thành phố cho phép chủ đầu tư thoả thuận bồi thường, nhưng có những DA thì lại áp dụng hình thức thu hồi đất. Giữa 2 hình thức thu hồi đất, giá bồi thường có sự chênh nhau và người dân khiếu nại. Hậu quả, hàng chục khu “đất vàng” không thể nào đưa vào khai thác sử dụng.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động