Nhiều năm qua, hàng trăm khu đô thị mới được triển khai rầm rộ trên toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một thực tế rõ như ban ngày, ở các TP lớn người dân vẫn chưa với tới căn hộ chung cư giá gốc.
Nhiều năm qua, hàng trăm khu đô thị mới được triển khai rầm rộ trên toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một thực tế rõ như ban ngày, ở các TP lớn người dân vẫn chưa với tới căn hộ chung cư giá gốc.
Bộ Xây dựng và một số cơ quan hoạch định chính sách có kỳ vọng áp mức giá hợp lý cho nhà ở, nhưng xem ra rất khó “kìm cương”. Có thể thấy, các dự án khu đô thị mới được xây dựng rộng khắp tại Hà Nội và TPHCM. Nhưng tới thời điểm này, việc mua nhà với mức giá hợp lý vẫn như “mò kim đáy biển”.
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS) (Bộ Xây dựng) năm 2010, riêng loại căn hộ có giá cả vừa phải, giao dịch sẽ sôi động vì đáp ứng được nhu cầu của số đông. Các doanh nghiệp đang góp mặt trong trào lưu nhà giá thấp cho rằng, tuy lợi nhuận không cao như căn hộ cao cấp nhưng tiến độ xây dựng và bán hàng của phân khúc nhà giá thấp sẽ nhanh hơn rất nhiều.
Tuy vậy, để mua được một căn hộ giá rẻ phải “chóng mặt” với hồ sơ xét duyệt, chứ không đơn giản. Còn muốn có ngay nhà ở tại những khu đô thị mới, phải chấp nhận giá cao vì qua nhiều trung gian. Chị Nguyễn Vân Hằng mua căn hộ tại nhà H11, khu đô thị Việt Hưng cho biết: Giá sàn chung cư tại đây gần 7 triệu đồng/m², nhưng tôi vẫn phải mua với giá 16 triệu đồng/m² . Nhiều khu đô thị mới, giá cả bị đẩy lên khiến phần lớn người dân không với tới, phải mua với giá gấp 2, thậm chí gấp 3 lần giá sàn như ở các khu đô thị Mỹ Đình, Linh Đàm, Mễ Trì…
Lý giải thực trạng dự án tràn lan nhưng dân vẫn thiếu chỗ ở, một chuyên gia bất động sản cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam có 3 đối tượng tham gia giao dịch: nhà đầu tư, nhà đầu cơ và người có nhu cầu sử dụng. Sở dĩ thị trường BĐS Việt Nam thường sốt cục bộ vì từ trước tới nay nhà đầu tư và đầu cơ thao túng.
Điểm qua một số dự án giá bán từ 18 - 20 triệu đồng/m² trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội cho thấy dù chưa đến thời điểm bán hàng nhưng số lượng khách hàng đăng ký giữ chỗ mua đã kín như dự án nhà ở số 7 Trần Phú, dự án nhà ở Tô Hiệu...
Ông Nguyễn Hữu Chỉnh, giám đốc một công ty môi giới BĐS ở quận Hà Đông cho rằng, do nhiều nhà đầu cơ luôn chớp cơ hội theo kiểu “tay to vét lưới” nên người có nhu cầu không tìm được căn hộ giá sàn. Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư phải “bắt tay” với các nhà đầu cơ để nhanh quay vòng vốn. Nhà đầu tư đang thiếu vốn, gặp nhà đầu cơ trả tới 80% số tiền mua, họ không thể không bán “lúa non”.
Bộ Xây dựng đang ra sức tìm cách “kiếm” chỗ ở cho người dân, nhất là người dân có thu nhập thấp nhưng rõ ràng việc này không dễ. Đặc biệt, thời gian qua, giá nguyên vật liệu xây dựng cũng tăng cấp tập theo giá điện, xăng... đã đẩy giá nhà tiếp tục “leo thang” nên việc điều chỉnh để có một mức giá hợp lý xem ra không phải dễ dàng.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng