Khó giảm nhà siêu mỏng, siêu méo

Cập nhật 06/03/2010 13:45

Ngày 5-3, tại buổi giám sát của HĐND TP Hà Nội về thực thi các giải pháp khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn quận Đống Đa, Phó chủ tịch thường trực HĐND TP Lê Quang Nhuệ cho biết tình trạng đó đã được thảo luận tại nhiều kỳ họp HĐND TP nhưng đến nay vẫn chưa chuyển biến.

Ngày 5-3, tại buổi giám sát của HĐND TP Hà Nội về thực thi các giải pháp khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn quận Đống Đa, Phó chủ tịch thường trực HĐND TP Lê Quang Nhuệ cho biết tình trạng đó đã được thảo luận tại nhiều kỳ họp HĐND TP nhưng đến nay vẫn chưa chuyển biến.

Theo ông Nhuệ, ngay tuyến đường được đánh giá đắt nhất của Hà Nội (đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa), được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng xây dựng, thế nhưng đường mở xong lại thấy thất vọng về cảnh quan, kiến trúc hai bên tuyến phố này.


Một ngôi nhà “siêu mỏng” ở Hà Nội. Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Đức Học cho biết sau khi mở đường, đoạn đường vừa nêu chỉ dài hơn 1km nhưng ở hai bên đường đã xuất hiện hơn 70 thửa “đất kẹt” (diện tích quá nhỏ, đủ hình dạng). Nếu cho xây dựng trên tất cả các vị trí đó thì nhà sẽ thành siêu mỏng, siêu méo toàn bộ.

Sau một thời gian dài vận động người dân, đến nay mới chỉ có chủ của hơn 40 thửa đất kẹt chấp nhận hợp khối. Khoảng 30 thửa còn lại các chủ đất vẫn chưa thống nhất hợp khối được, vì chủ đất mặt tiền thì “hét” giá bán quá cao, ngược lại chủ đất ở phía trong cũng gây sức ép không mua. Ông Học thừa nhận tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo kể trên còn phát sinh trên một số đường mới mở khác, chẳng hạn đường Láng - La Thành - Cát Linh.

Ông Học cho rằng với cách làm cứ mở đường đi giữa khu dân cư, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch kẻ vạch thẳng thì tuyến đường nào cũng làm phát sinh những thửa đất “kỳ dị” sau khi mở đường. Ngay cả tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu sắp làm cũng khó tránh được. Vì vậy, giải pháp khả thi nhất để hạn chế nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn là linh hoạt vận động để người dân hợp khối. Còn giải pháp thu hồi các thửa đất nhỏ đó không thể triển khai được. Bởi muốn thu hồi đất phải có dự án, trong khi những thửa đất nhỏ đó không thể làm được dự án gì và quận cũng không đủ thẩm quyền thu hồi.

Ông Lê Quang Nhuệ đề nghị sau khi thực thi các giải pháp khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, TP cần đánh giá hiệu quả thực tiễn. Theo ông, vấn đề mấu chốt chính là sự buông lỏng và yếu kém trong công tác quản lý. Ngay cả việc thiếu những quy định chặt chẽ về quản lý ở hai bên các tuyến phố dẫn đến tình trạng phơi gì ở mặt phố cũng được đã góp phần làm xấu cảnh quan đô thị. Ông Nhuệ còn cho rằng trong những dự án mở đường tới đây, phải có quy hoạch hai bên tuyến đường mới mở và tránh quy hoạch những tuyến đường chạy vào giữa khu dân cư.

Vận động thực hiện “gọn nhà, sạch phố, đẹp thủ đô”

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa có chỉ thị yêu cầu các sở, ban ngành, quận huyện đồng loạt thực hiện kế hoạch chỉnh trang đô thị chào đón đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Theo đó, các cơ quan đơn vị ngoài việc chỉnh trang trụ sở, nơi làm việc, cần vận động cán bộ, công nhân viên và người dân hưởng ứng phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, khu dân cư văn hóa, tham gia chỉnh trang, dọn dẹp đường phố, ngõ xóm, khu vực công cộng theo tiêu chí “gọn nhà, sạch phố, đẹp thủ đô”.

Trưởng Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội Nguyễn Mạnh Cường cho biết TP sẽ thực hiện các dự án hạ ngầm cáp điện, tiến tới dọn sạch các loại dây cáp chằng chịt trên các tuyến phố chính; quyết liệt thực hiện các giải pháp đảm bảo môi trường cảnh quan đô thị, thu dọn, xóa quảng cáo rao vặt trên toàn địa bàn; đồng thời đặt mục tiêu hoàn tất các dự án liên quan đến đào đường, đào hè trước ngày 31-7...
 


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ