Khi doanh thu chính là... giữ xe

Cập nhật 26/12/2011 11:15

Thị trường đóng băng dài hạn khiến cho áp lực ngày một tăng đối với các doanh nghiệp bất động sản.


Toà nhà phức hợp căn hộ – văn phòng – trung tâm thương mại Everich 1 tại quận 11, TP.HCM với khu giữ xe ở các tầng hầm, giữ xe ôtô và gắn máy cho cư dân và khách giao dịch. Ảnh: Lê Quang Nhật
Thị trường đóng băng dài hạn khiến cho áp lực ngày một tăng đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Mới đây, do quá khó khăn trong việc bán sản phẩm, công ty Phát Đạt đã điều chỉnh giảm lợi nhuận trước thuế (LNTT) từ con số 360 tỉ đồng xuống chỉ còn 8 tỉ đồng. Trong khi đó, nếu nhìn lại kết quả kinh doanh quý 3/2011, doanh thu của công ty này chỉ đạt hơn 1 tỉ đồng, một con số khá sốc so với quy mô vốn điều lệ 1.302 tỉ đồng của doanh nghiệp này. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu này đã sụt giảm tới 99%, và điều đáng phải suy nghĩ hơn là doanh thu 1 tỉ đồng đó lại đến từ hai nguồn phụ đó chính là tiền giữ xe tại dự án The Everich 1 và tiền cho thuê một căn nhà ở đường Nguyễn Trãi.


Có lẽ chưa bao giờ người giữ xe ở khu căn hộ này lại nghĩ được rằng mình lại đóng một vai trò quan trọng đến như vậy trong đời sống kinh doanh của một đại gia bất động sản. Những nhà đầu tư vào cổ phiếu của công ty này, có thể nói ai cũng biết tình hình bán hàng cuối năm của công ty vẫn chưa thể có gì khả quan. Có lẽ trong quý 4 này nguồn doanh thu chính được ghi nhận của công ty này vẫn là từ tiền giữ xe.

Đô mi nô giảm giá


Trong khi đó, hàng loạt các doanh nghiệp do đứng trước áp lực thu hồi vốn nên đã bung sản phẩm ra bán hàng loạt với hy vọng có thể gỡ gạc lại được một chút vốn. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn không thể khá hơn. Công ty địa ốc Anh Tuấn mới đây công bố mở bán dự án đất nền Anh Tuấn Garden (huyện Nhà Bè) với mức giá là 6,5 triệu đồng/m2. Cần biết rằng chỉ mới đây, cũng chính dự án này được công bố bán với giá công bố 8,2 triệu đồng/m2, nhưng không có khách mua. Nay sau nhiều lần giảm giá, vẫn không thu hút được sự quan tâm của khách hàng.

Hay như tại dự án căn hộ Thảo Loan Plaza (huyện Bình Chánh) do công ty Nam Việt làm chủ đầu tư, mới đây được công bố giá bán là 16 triệu đồng/m2 giảm đi khá nhiều so với mức giá 24 triệu đồng/m2 mà chủ đầu tư công bố cách đó không lâu. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại chỉ bán một số sản phẩm với mức giảm này kèm với đó là điều kiện khách hàng phải thanh toán ngay 98% tổng số tiền. Do đó, giới đầu tư cũng lắc đầu vì kiếm đâu ra tiền và không dại gì chôn vốn nhiều như vậy.

“Dường như thị trường không cho chúng tôi một tia hy vọng nào. Không có một cơ hội chào bán căn hộ trong khi đó sau lưng là biết bao gánh nặng. Người mua chờ đợi, doanh nghiệp gặp khó lại muốn bán sản phẩm bằng mọi giá, nên đưa ra nhiều hình thức khuyến mãi, giảm giá… Điều này chỉ càng làm cho thị trường thêm sa lầy”, ông Dương Chí Thiện, tổng giám đốc Neoland tâm sự.

Thị trường bế tắc

Càng về cuối năm, có không ít những lo ngại rằng các doanh nghiệp bất động sản sẽ lâm vào cảnh điêu đứng khi mà những khoản lãi vay đang ngày càng phình ra với việc lãi suất luôn đứng ở mức cao trong thời gian qua. Theo một chuyên gia tài chính thì: “Sẽ không có gì là quá đáng khi dùng từ là sẽ rất thê thảm”.

Thị trường sẽ tiếp tục ảm đạm là câu chuyện không còn phải bàn cãi. Doanh thu không có, trong khi chi phí hoạt động và lãi vay vẫn đang tiếp tục làm tê liệt doanh nghiệp. Và quan trọng hơn cả là lấy đâu ra dòng tiền để trả lại vốn gốc, khi chính các ngân hàng cũng đang chịu sức ép từ ngân hàng Nhà nước bắt buộc phải giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất. Đơn cử như với trường hợp công ty Phát Đạt, đang có khoản nợ vay dài hạn lên tới 2.272 tỉ đồng với mức lãi suất từ 14,5 – 24%. Với mức lãi suất như vậy thì liệu công ty này sẽ sống ra sao nếu chỉ là dựa vào doanh thu từ tiền giữ xe hay cho thuê nhà?

Giá nhà giảm mạnh, sao vẫn khó bán?

Hiện nay, khi thị trường lâm cảnh khó khăn, giao dịch ế ẩm thì cả khách hàng và chủ đầu tư cùng kêu về giá. Trong khi các chủ đầu tư cho rằng, mức giá mà họ chiết khấu, giảm giá là “không thể thấp hơn được nữa”. Còn với người mua nhà, họ lại tin rằng, đó vẫn chưa phải là mức giá kỳ vọng, thậm chí đó vẫn là mức họ chưa thể với tới. Rốt cục là hàng ế ẩm, dự án đắp chiếu, còn người mua thì vẫn chờ và hy vọng...

Theo ông Đặng Hùng Võ, khảo sát của nhiều doanh nghiệp lẫn tổ chức xã hội cho thấy, phần lớn người dân gặp khó về nhà ở đều mong muốn sở hữu nhà có diện tích dưới 30m2, vì như thế may ra họ mới có khả năng thanh toán. Tuy nhiên, luật pháp hiện lại không chia sẻ với thực tế này khi quy định nhà dưới 30m2 không được phép xây dựng, cấp sổ đỏ...

Trên thực tế, đã có nhiều chuyên gia thắc mắc, vậy thì vai trò của người nghèo trong quy hoạch đô thị ở đâu?

GS Võ cũng chia sẻ, thông thường ở các nước phát triển, để điều tiết quy hoạch, họ sẽ dùng sắc thuế. Thế nhưng ngay như nước Bỉ, sau khi áp dụng thuế cao để hạn chế người sinh sống ở thủ đô Brussels thì trớ trêu thay, đêm đến thành phố này không còn lấy một bóng người. Chính quyền thành phố sau đó đã thừa nhận thất bại của chính sách này, và khẳng định “đô thị không thể thiếu vai trò, vị trí của người nghèo”.

Thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, mới đây trong một cuộc toạ đàm về chủ đề nhà ở đã kết luận: “Nhiều người cứ thắc mắc làm sao người nghèo mua được nhà. Tôi khẳng định người nghèo không bao giờ mua được nhà, nếu như giá nhà vẫn như hiện nay, rồi đồng lương vẫn thế”.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng, thanh khoản trên thị trường kém có một phần do lỗi của chủ đầu tư khi chạy đua làm nhà có diện tích quá lớn, vượt khả năng thanh toán của số đông người dân. Năm năm trước, nếu họ nhận ra thực tế này thì thị trường đâu đến nỗi ảm đạm, trầm lắng như hiện nay.



DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị