Khi đất sản xuất không phải để sản xuất…

Cập nhật 09/05/2013 16:30

Mâu thuẫn giữa người dân và nông lâm trường quốc doanh có lúc đã lên đến đỉnh điểm lý do vẫn chỉ là quyền lợi về đất đai, người dân thì không có đất sản xuất trong khi lâm trường lại giữ đất để không, thậm chí có nơi còn bán đất để người giàu xây biệt thự…

Mâu thuẫn giữa người dân và nông lâm trường quốc doanh có lúc đã lên đến đỉnh điểm lý do vẫn chỉ là quyền lợi về đất đai, người dân thì không có đất sản xuất trong khi lâm trường lại giữ đất để không, thậm chí có nơi còn bán đất để người giàu xây biệt thự…

Trong lúc nhiều nơi đất nông, lâm trường sử dụng không đúng mục đích thì người nông dân thiếu đất canh tác
Ảnh: Miên Thảo

Để khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc, Chính phủ đã ban hành Quyết định 134/2004QĐ-TTg ngày 20-7-2004 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống khó khăn. Theo đó quy định mức đất tối thiểu của 1 hộ là 0,15ha đất lúa 2 vụ, hoặc 0,25ha đất lúa 1 vụ hoặc 0,5 ha đất màu (cho cây trồng cạn). Tuy nhiên, trên thực tế, theo phản ảnh của nhiều người dân, với diện tích đất như vậy theo quy định là quá thấp, không đảm bảo để đồng bào thoát nghèo.

Nhiều người dân cho biết, họ sống trên đất rừng nhưng đất để họ canh tác, sản xuất lại không có. Đất rừng rộng mênh mông nhưng lâm trường quản lý  đến 95% diện tích khiến cho người dân không có đất để sản xuất, trồng cây. "Chúng tôi cần đất để phát triển sản xuất, ổn định đời sống và chúng tôi cần Nhà nước tạo điều kiện để có đất trồng cây, tự làm ra cái ăn, cái mặc, chứ chúng tôi không cần những đợt cứu trợ bằng hiện vật. Hết đợt cứu trợ thì lại đói thôi”- một người dân ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình than vãn.

Việc tranh chấp đất đai giữa nông lâm trường và người dân đã tồn tại từ lâu. Lý do là bởi, đã và đang diễn ra thực trạng, không những nông lâm trường giữ nhiều đất rừng, không cho dân canh tác mà nhiều nơi, đất nông lâm trường còn bị… làm thịt để rồi, thay vì họ tạo nên bức tranh trồng trọt, chăn nuôi của một nông lâm trường thực thụ, thì họ lại sang nhượng đất, để nhiều người giàu được phép xây nhà, xây biệt thự trên đó.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, sau quá trình đổi mới, sắp xếp, diện tích đất tranh chấp giữa lâm trường và người dân tính đến tháng 12-2012 có xu hướng tăng cao hơn so với trước, trong đó có một số trường hợp ngày càng khó giải quyết, diễn biến phức tạp.

Theo các chuyên gia, hiện nay việc giải quyết mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường và người dân thường rơi vào tình trạng bế tắc, chủ yếu là do thiếu cơ sở pháp lý. Hiện vẫn chưa có sự phân định ranh giới đất đai rõ ràng trên thực địa, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chồng chéo, thiếu nguồn lực cần thiết để giải quyết tranh chấp…

Một trong những việc cần làm là rà soát lại đất của các nông lâm trường đang quản lý, nhất là ở những nơi lâm trường sử dụng không hiệu quả để giao lại cho người dân và phải giao những loại đất phù hợp. Và khi giao lại đất cần thiết phải có sự tham gia của người dân, như vậy sẽ giúp người dân yên tâm sản xuất bởi họ biết họ được hưởng những gì từ việc giao đất này.

DiaOcOnline.vn - theo Đại đoàn Kết