Khi đất đấu giá không còn hấp dẫn

Cập nhật 24/03/2014 08:19

Nhằm tạo nguồn lực để các huyện, thị xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giải quyết nhu cầu sử dụng đất của nhân dân, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách, năm 2014 Hà Nội sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) 34 dự án với tổng diện tích khoảng 42,65ha đất, phấn đấu thu 1.500 tỷ đồng. Nhưng để đạt được mục tiêu này lại không dễ, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài hiện nay.

Nhằm tạo nguồn lực để các huyện, thị xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giải quyết nhu cầu sử dụng đất của nhân dân, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách, năm 2014 Hà Nội sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) 34 dự án với tổng diện tích khoảng 42,65ha đất, phấn đấu thu 1.500 tỷ đồng. Nhưng để đạt được mục tiêu này lại không dễ, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài hiện nay.

Sớm tạo quỹ đất đấu giá

Năm 2013, Hà Nội có 22 quận, huyện đã tổ chức đấu giá 10,5ha đất, thu được 1.960 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch. Năm 2014, Hà Nội sẽ tổ chức đấu giá QSDĐ 34 dự án với tổng diện tích khoảng 42,65ha, phấn đấu thu 1.500 tỷ đồng.

Năm 2014, Hà Nội phấn đấu thu 1.500 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất. Ảnh: Đàm Duy

Tại các quận, huyện, một số dự án được kỳ vọng mang lại nguồn thu lớn, như đấu giá khu Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), dự kiến thu 350 tỷ đồng; 2 dự án ở quận Long Biên dự kiến thu 200 tỷ đồng. Đồng thời, trong năm 2014, thành phố sẽ tổ chức đấu giá nhà chuyên dùng UBND quận Ba Đình và nhà chuyên dùng của Công ty TNHH NN MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội.

Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, đối với các huyện đã có dự án hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thành phố sẽ tiếp tục bố trí vốn giai đoạn thực hiện đầu tư nhằm sớm tạo ra quỹ đất đấu giá. Đối với các dự án mới đủ thủ tục thuộc các huyện chưa được bố trí vốn những năm trước đây thì chỉ bố trí kế hoạch vốn khi có chỉ đạo của thành phố. Đối với các khu đất xen kẹt, nhỏ lẻ, quy mô dưới 5.000m2, UBND cấp huyện chủ động lập kế hoạch tổ chức đấu giá theo quy định và phải chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư của các dự án này.

Tránh đầu tư tràn lan

Mong muốn là vậy nhưng trong điều kiện thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài như hiện nay, việc đấu giá không hề dễ. Thực tế trong các năm 2012, 2013 cho thấy, đã có những thời điểm, tại một số địa phương, đất đưa ra giá đấu giá không có khách đăng ký đấu giá hoặc số lượng người tham gia không đủ theo quy định khiến cho phiên đấu giá phải hủy. Ngoài ra, sau khi đấu giá xong, không phải lô đất nào cũng được người trúng giá nộp tiền đúng kỳ hạn. Tình trạng người trúng đấu giá nợ đọng tiền sử dụng đất còn nhiều khiến cho không ít dự án phải hủy kết quả trúng đấu giá để tổ chức đấu giá QSDĐ lại… Vì vậy, ngoài siết chặt các quy định về tổ chức đấu giá, thành phố đã chỉ đạo các ngành, quận, huyện, thị xã phải chuẩn bị kỹ các điều kiện trước khi tổ chức đấu giá, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, kém hiệu quả, không đấu giá được, dẫn đến để đất hoang, lãng phí tài nguyên đất đai, tồn đọng vốn đầu tư.

Đất được đấu giá chỉ thực sự hấp dẫn khi có giá khởi điểm phù hợp và hạ tầng hoàn chỉnh là vấn đề được lãnh đạo một số địa phương đề cập. Thậm chí, khu đất dù có vị trí đắc địa nhưng hạ tầng chưa hoàn chỉnh thì cũng khó hấp dẫn được khách hàng. Ví dụ, đối với dự án đấu giá QSDĐ tại xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì), khu đất này nằm giữa đường quốc lộ 1A và đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, lại cách không xa các khu đô thị Pháp Vân, Tứ Hiệp và Bệnh viện Nội tiết trung ương mới được xây dựng… nhưng qua khảo sát, chưa có nhiều người tham gia. Ông Trương Đức Long - Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp lý giải, khu đất tại đây dự kiến sẽ tổ chức đấu giá vào quý II-2014, song đến nay, hạ tầng vẫn chưa hoàn chỉnh. Con đường rộng 30m nối từ Khu đô thị Pháp Vân và Tứ Hiệp xuống khu đấu giá QSDĐ và sau này sẽ kéo dài xuống xã Liên Ninh, trên đó có cây cầu nối hai khu đô thị dù đã được thành phố phê duyệt nhưng sau đó dừng triển khai vì thiếu vốn. Nếu làm một cây cầu chỉ mất vài tỷ đồng, vừa phục vụ nhu cầu dân sinh cấp thiết thì chắc chắn sẽ làm cho khu đất đấu giá hấp dẫn hơn và khi đấu giá có thể thu lợi lớn hơn cho ngân sách để bù vào chi phí xây cầu. Khách hàng trước khi tham gia đấu giá bao giờ cũng tham khảo rất nhiều yếu tố, giai đoạn này ít người đấu giá với tư cách nhà đầu cơ mà hầu hết là người có nhu cầu thực, cho nên đấu giá chỉ thành công khi nhà tổ chức chuẩn bị đủ các điều kiện để chứng minh khu đất đó thực sự hấp dẫn.

Đến thời điểm này, thành phố đã có 33 dự án (diện tích 41,67ha) hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, đủ điều kiện để tổ chức đấu giá trong quý I và II-2014; một dự án đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự kiến đấu giá trong quý III, IV-2014. Trong số này, khối sở, ngành sẽ đấu giá 5 dự án. Trong đó có dự án tại Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên); đấu giá đất xây dựng nhà vườn, nhà liền kề thấp tầng tại các ô đất C2, C4 khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy); đấu giá 156m2 đất thuộc quỹ đất 20% tại dự án khu nhà ở để bán ở phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân); khu nhà ở phường Thượng Thanh (quận Long Biên); dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất để đấu giá tạo nguồn vốn xây dựng kè cứng hóa bờ sông Hồng.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới