Khi “cò” đất chuyển mình…

Cập nhật 05/10/2007 15:00

Thị trường bất động sản khởi sắc kéo theo sự phát triển trở lại của mạng lưới văn phòng môi giới nhà đất. Tuy nhiên, so với thời sốt đất cách đây năm năm, diện mạo của nhà môi giới bây giờ đã khác nhiều.

Thị trường bất động sản khởi sắc kéo theo sự phát triển trở lại của mạng lưới văn phòng môi giới nhà đất. Tuy nhiên, so với thời “sốt” đất cách đây năm năm, diện mạo của nhà môi giới bây giờ đã khác nhiều.

Tháng trước, công ty cổ phần Nhà đất An Gia khai trương chi nhánh giao dịch thứ tư tại TP.HCM. Về hình thức, chi nhánh này cũng được thiết kế, trang trí nội thất như ba văn phòng trước đó với hệ thống quầy kệ, bàn ghế, thảm trải sàn… Tuy nhiên, nếu so sánh với hoạt động môi giới nhà đất cách nay vài năm sẽ thấy có sự khác biệt lớn: đã mất dần hình ảnh một mặt bằng nhỏ với gạch sàn lem luốc, vài cái bàn giấy và những cái bảng đen viết nghuệch ngoạc bằng phấn trắng.

An Gia chỉ là một trong những công ty môi giới nhỏ, ra đời từ vốn tích kũy nhỏ của những người làm nghề môi giới nhưng có định hướng làm ăn chuyên nghiệp như Đô Thị Mới, Hưng Hưng Thịnh, Lộc Điền… Với những công ty có sự hậu thuẫn tài chính tốt như Phát Hưng, Sacomreal, Đất Xanh…, sự thay đổi không chỉ về mặt hình ảnh mà còn được đầu tư lớn cho công nghệ thông tin nhằm chuyên nghiệp hóa cho công tác văn phòng, giao dịch qua mạng, lập website.

Theo ông Ngô Quang Thiện, Tổng giám đốc công ty TNHH Bất động sản Phát Hưng, có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự chuyển biến tích cực này. Thứ nhất, các công ty dịch vụ bất động sản nước ngoài như CBRE, Savills… đã “trình diễn” một cung cách làm việc chuyên nghiệp, phù hợp với như cầu xã hội mà nhiều công ty trong nước mong muốn đạt tới. Thứ hai, khi các ngân hàng thương mại mở ra các siêu thị địa ốc với mục đích bán lẻ qua kênh cho vay tiêu dùng với cách làm khá bài bản, thì để tồn tại, các công ty môi giới buộc phải thay đổi, xác lập lại niềm tin nơi khách hàng.

Trong những năm thị trường nhà đất đóng băng, số lượng văn phòng môi giới bị teo tóp chỉ còn một phần tư so với thời sốt đất những năm 2002 - 2003. Tuy nhiên từ hơn một năm qua, số lượng văn phòng giao dịch nhà đất đã tăng trở lại nhưng với hình ảnh mới mẻ hơn.
 
Chỉ riêng ở TP.HCM, hệ thống văn phòng giao dịch của Sacomreal đã phát triển thêm năm cơ sở. An Gia mới hoạt động hơn một năm đã mở chi nhánh thứ tư, Đất Xanh cũng mở rộng với bốn chi nhánh, Vạn Phát Hưng thì có hệ thống gồm 11 văn phòng giao dịch nên đã thành lập công ty Phát Hưng để quán xuyến, tách khỏi lĩnh vực chính của công ty mẹ.

Trước đây, các công ty thường sống dựa theo những cơn sốt đất. Bị cuốn theo thị trường, mỗi công ty mở ra hàng chục cơ sở giao dịch chỉ nhằm đáp ứng trước mắt số lượng người tìm mua nhà đất. Khi cơn sốt qua đi, những công ty không đủ khả năng tài chính đã bị sụp đổ. Theo ông Lương Sỹ Khoa, Phó giám đốc công ty An Gia, đa số những công ty trụ được đến nay là những công ty có kinh nghiệm.
 
Họ bắt đầu ý thức được việc phải xây dựng chiến lược phát triển dài hạn để có thể tồn tại mà không phụ thuộc sự thăng trầm của thị trường. “Nhưng muốn vậy cần phải có kế hoạch tích lũy tài chính xây dựng đội ngũ nhân viên, chú trọng đạo đức kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ”, ông Khoa nói.

Ông Hồ Đắc Hưng, chủ tịch HĐQT Vinaland, một công ty môi giới, tư vấn đầu tư bất động sản, cho biết, để xây dựng đội ngũ nhân viên có chuyên môn, Vinaland đưa ra quy trình tuyển dụng khá chặt với các tiêu chí về kinh nghiệm hành nghề, đạo đức kinh doanh, khả năng giao tiếp…

Trong khi đó, công ty An Gia lại mở các lớp đào tạo, thuê chuyên viên pháp lý cập nhật thông tin, văn bản pháp luật… cho nhân viên. Đối với công ty có nhiều nhân viên như Phát Hưng, chương trình đào tạo được tổ chức hàng quý với những kiến thức tổng quát liên quan đến nghề, hay hàng tuần với các kĩ năng nghiệp vụ và lịch họp hàng ngày để trao đổi, rút kinh nghiệm từ công việc thực tế.

Ông Hưng cho biết văn phòng môi giới hiện nay đi theo hướng cung cấp dịch vụ trọn gói để cạnh tranh với các siêu thị địa ốc của ngân hàng. Do vậy các công ty môi giới đang phải mở rộng mối quan hệ với các chủ đầu tư dự án, các cơ sở tín dụng để giành đuợc những ưu đãi tốt nhất cho khách hàng mình, đồng thời đảm nhận luôn cả thủ tục hành chính trong quá trình mua bán.

Theo đánh giá của chính các nhà môi giới, nếu so với họat động môi giới địa ốc chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài, hoạt động môi giới địa ốc của các công ty trong nước còn thua xa. Tuy nhiên, sự chuyển mình hiện nay có thể xem là một sự khởi động mới cho bước phát triển của hoạt động môi giới nhà đất trong nước.

Ông Ngô Quang Thiện thừa nhận trong tình hình cầu nhiều cung ít như hiện nay, các công ty môi giới chưa phải chịu áp lực lớn về chất lượng dịch vụ, nhưng vài năm tới tình hình sẽ khác. “Khi sản phẩm dồi dào, số lượng nhà đầu tư thứ cấp bớt đi, số lượng người mua nhà để ở tăng nhanh, người mua có nhiều sự lựa chọn, các công ty môi giới sẽ phải cạnh tranh khốc liệt về chất lượng dịch vụ và phong cách phục vụ. Khi ấy, lợi thế sẽ thuộc về công ty nào có quá trình chuẩn bị kĩ càng”, ông nói.

Theo TB KT Sài Gòn