Khi bán tháo BĐS không còn là hiện tượng

Cập nhật 23/11/2011 10:55

33 triệu đồng/m2, so với giá thị trường hồi đầu năm giảm khoảng 35-40%. Đây là mức giá đất nền thuộc Dự án KĐTM Bắc Quốc lộ 32 - Thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Nội vừa được Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (NTL) công bố.

33 triệu đồng/m2, so với giá thị trường hồi đầu năm giảm khoảng 35-40%. Đây là mức giá đất nền thuộc Dự án KĐTM Bắc Quốc lộ 32 - Thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Nội vừa được Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (NTL) công bố.

Các ô đất thuộc tất cả các lô biệt thự phía Đông dự án KĐTM Bắc Quốc lộ 32 (từ lô BT1 đến BT12), tổng số lô đất là 50 lô với tổng diện tích 11.650m2.

Đây là đợt chào bán dự án Bắc Quốc lộ 32 đầu tiên của NTL trong năm nay 2011, mức giá chào bán này tương đương với giá chào bán cũng trong khoảng thời gian này năm ngoái của dự án Bắc Quốc lộ 32.

Với mức giá bán này so với thời điểm đầu năm 2011 khi thị trường đất nền khu vực phía Tây vẫn còn “nóng” thì đến nay giảm mất khoảng 35 – 40%. Giá chào bán trung bình trên thị trường đất biệt thự dự án có thời điểm lên đến 50 – 60 triệu đồng/m2.

Dự án Khu đô thị mới Bắc Quốc lộ 32 có quy mô hơn 38 ha, trong đó đất khu ở khoảng 16,4 ha, đất giao thông 12,8 ha, đất cây xanh, thể thao 4,3 ha, đất trường học 2,4 ha,…Tổng số biệt thự dự án này vào khoảng 800 căn, hiện nay NTL còn lại khoảng trên 200 căn các loại chưa bán.

Dự án Bắc Quốc lộ 32 đang trong giai đoạn xây thô và hoàn thiện biệt thự. Một vài khu biệt thự dự kiến vào cuối năm 2011 đầu năm 2012 sẽ bàn giao nhà.

Bên cạnh khu đô thị Bắc Quốc lộ 32 là dự án Khu đô thị mới Kim Chung Di Trạch, dự án này hiện đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Thời điểm sốt đất hồi đầu năm giá đất liền kề, biệt thự tại đây lên đến 50-55 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, vào giữa tháng 4 đến tháng 8/2011 đất Kim Chung Di Trạch đã giảm xuống chỉ còn khoảng 35 triệu đồng/m2 đối với lô liền kề đường nhỏ.

Mức giá đất nền đại hạ giá thuộc Dự án KĐTM Bắc Quốc lộ 32 - Thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Nội vừa được Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (NTL) công bố cũng không phải là hiện tượng lạ khi giao dịch ảm đạm kéo dài khiến cho không ít chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm của mình mặc dù nhiều các chiêu thức quảng cáo tiếp thị, giảm giá thành sản phẩm được đưa ra nhằm thu hút nhà đầu tư.

Cty cổ phần địa ốc dầu khí (PVL) đã thẳng thắn công bố đại hạ giá sản phẩm bất động sản xuống mức 35% để lấy tiền trả nợ gần 100 tỷ đồng cho ngân hàng. Hay mới đây, Cty CP Sông Đà Thăng Long (STL) đã chấp nhận cắt bớt phần lớn diện tích sàn thương mại để tặng cho khách hàng nộp hết tiền mua căn hộ. Tuy nhiên tình hình cũng không được cải thiện khi trong quý 3 năm nay, hệ số tiêu thụ của rất nhiều DN BĐS đã trở nên quá tồi tệ, có DN không bán được một căn hộ nào, cũng có DN chỉ có doanh thu vỏn vẹn 1 tỉ đồng. Khoản mục hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong báo cáo tài chính của các DN khi hàng bán ra mà không tìm được người mua.

Đằng sau những vụ đại hạ giá, hay “ bán tháo ” chính là khó khăn về nguồn vốn do chính sách tiền tệ thắt chặt tiếp tục được duy trì. Cùng với Nghị quyết 11 của Chính phủ ban hành nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì NHNN đưa ra chỉ thị 01 trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng phải giảm tỷ trọng dư nợ đối với cho vay phi sản xuất theo lộ trình quy định: xuống 22% đến 30/6/2011 và xuống 16% đến 31/12/2011. Theo báo cáo của Ủy Ban giám sát tài chính thì dư nợ BĐS đến tháng 6/2011 khoảng 245 nghìn tỉ đồng tương đương với 10% tổng dư nợ của nền kinh tế, trong đó tập trung tại TP HCM là 45% và Hà Nội là 18%. Nợ xấu BĐS chiếm khoảng 3% tổng dư nợ lĩnh vực này, trong đó, đáng chú ý là nợ thuộc nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) khoảng 40%. Chính vì vậy, các NHTM ngay từ đầu năm đã hạn chế tối đa mức độ cho vay đối với DN BĐS nhằm tuân thủ nghiêm túc các chỉ thị từ NHNN cũng như đảm bảo an toàn cho hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng. Vì vậy, dư nợ cho vay trong lĩnh vực BĐS của các ngân hàng sẽ còn phải giảm tiếp nên cửa tín dụng đối với các DN có nhu cầu là khó có thể được đáp ứng.

Cùng với việc nguồn cung tín dụng BĐS bị chặn đứng từ phía ngân hàng thì cùng lúc các ngân hàng tăng cường thu hồi nợ vay BĐS. Đáng chú ý, áp lực trả lãi từ các khoản vay của các DN cũng là rất lớn khi hầu hết lợi nhuận làm ra chủ yếu được đem đi trả lãi, thậm chí là không đủ để bù đắp cho khoản lãi vay quá lớn, điển hình như các DN như: ITC, KAC, VPH, SCR. Tình trạng gán nợ của các DN bất động sản cho ngân hàng sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc các ngân hàng có thu hồi lại được toàn bộ số nợ gốc cũng như lãi phát sinh trong quá trình cho vay hay không lại là một bài toán nan giải trong bối cảnh thị trường đang đóng băng, mất thanh khoản như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Đỗ Việt – Phó Tổng giám đốc Sông Đà-Thăng Long, thực trạng thị trường hiện nay là kết quả của hàng loạt các nguyên nhân như: Tình hình kinh tế vĩ mô bất ổn, chủ trương thắt chặt tín dụng của Chính phủ, chủ trương tấn công vào đầu cơ, Chính phủ tuýt còi các Tổng công ty, Công ty nhà nước không được đầu tư ngoài ngành và đầu tư chéo vào BĐS, quan hệ cung cầu mất cần đối theo hướng nguồn cung áp đảo cầu (thực), nguồn tiền bị phân bổ vào các kênh đầu tư an toàn và dễ thanh khoản hơn như vàng, ngoại tệ hoặc buộc phải xử lý hậu quả của việc sử dụng bòn bẩy tài chính trong đầu tư chứng khoán, tâm lý tiếp túc chờ xuống tiếp của khách hàng…

Tuy nhiên, ông Việt cũng cho rằng, theo quy luật nhân quả, muốn thay đổi kết quả thì phải thay đổi nguyên nhân hoặc tác động vào làm biến đổi nguyên nhân gây nên kết quả đó thì mới có kết quả mới được. Với lý luận như vậy thì trong thời gian 1-2 năm tới có lẽ cũng chưa có nhiều biến đổi với những nguyên nhân gây nên thực trạng của thị trường hiện nay.

DiaOcOnline.vn - Theo Tầm Nhìn