Khát vốn, BĐS ồ ạt chào hàng

Cập nhật 25/11/2011 13:55

Bước sang quý IV, trái với sự im lìm nửa năm trước, thị trường Hà Nội đón nhận một loạt tin mở bán, giới thiệu dự án từ các chủ đầu tư - thời điểm như một hy vọng vớt vát, bứt phá cuối cùng trước khi bước sang năm mới.

Bước sang quý IV, trái với sự im lìm nửa năm trước, thị trường Hà Nội đón nhận một loạt tin mở bán, giới thiệu dự án từ các chủ đầu tư - thời điểm như một hy vọng vớt vát, bứt phá cuối cùng trước khi bước sang năm mới.

Mọi miền đổ về đón khách Hà Nội


Hầu hết sản phẩm được các chủ đầu tư và đơn vị thứ cấp đưa ra bán hàng đợt này đều tập trung vào phân khúc giá tốt.


Trung tuần tháng 11, Công ty Đất Xanh miền Bắc cho biết 75/90 căn hộ Dream Town (Tây Mỗ, Từ Liêm) có giá khoảng 17,8 triệu đồng/m2 đã có chủ trong đợt mở bán lần 1.

Trước đó, đơn vị thứ cấp này cũng đã khá thành công khi bắt lọn nhu cầu ở thực, giá tiền vừa phải của khách hàng ở dự án Tân Việt (Đức Thượng, Hoài Đức) hay dự án Nam Đô Complex (Trương Định).

Với mức giá khoảng 15 triệu đồng/m2, kết quả sau hơn 1 tháng, hai đại lý chính đã bán gần như hết số lượng 150 căn của chung cư Tân Việt mà chủ đầu tư đưa ra.

"Từ khi thị trường kém, phân khúc giá cao bán khó, khách hàng không quan tâm nhiều, chúng tôi đã tập trung vào các dự án căn hộ tại Hà Nội có khoảng giá từ 14-22 triệu đồng/m2. Thực tế khách mua thực ở đông. Họ đều là người quen thân, dắt dây, giới thiệu nhau để sau này cùng về ở" - một đại diện bán hàng cho hay.

Trong một diễn biến khác, hồi đầu tháng 11, thông tin đơn vị thứ cấp là Công ty CP Địa ốc Dầu khí (PVL) đem ra Hà Nội chào bán căn hộ dự án PetroLandmark (quận 2, TP.HCM) với mức giá từ 15,5 triệu đồng/m2 đã thu hút sự quan tâm không nhỏ của khách hàng.

Đại diện truyền thông của PVL khi ấy đã cho biết, mỗi ngày có đến cả trăm cuộc điện thoại từ những người có nhu cầu gọi đến để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, dù mức giá đưa ra được đánh giá là hấp dẫn nhưng mục tiêu và cách thức bán hàng của PVL chưa thực sự gần gũi nên kết quả bán hàng đã không như kỳ vọng.

Nửa cuối tháng 11, thị trường còn ghi nhận động thái khai trương nhà mẫu, giới thiệu dự án từ các chủ đầu tư như căn hộ dự án Golden Palace (Hà Đông), biệt thự dự án Xanh Villas (Hòa Lạc). Bước sang tháng 12, dự án Cleve Văn phú cũng rục rịch mở bán chính thức khi đã hoàn thành xong móng.

Chưa hết 90 sản phẩm biệt thự, nhà phố thuộc dự án The Empire từ Đà Nẵng cũng không bỏ lỡ cơ hội mang tính thời điểm khi tổ chức mở bán tại Hà Nội sau một thời gian thăm dò. Có giá dao động từ 5,2 và 6,8 tỷ đồng, chủ đầu tư là Thành Đô Group tự đánh giá đây là mức cạnh tranh hơn hẳn so với các dự án cùng trục đường Trường Sa, quận Ngũ Hành Sơn.

Mạo hiểm hay đón lõng thị trường?

Rõ ràng sự khó khăn về nguồn vốn và tác động của tâm lý đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định xuống tiền của người mua. Do đó không tránh khỏi quan ngại rằng, sẽ rất khó khăn đối với các dự án, nhất là loại đắt tiền, cao cấp chào bán ở thời điểm ảm đạm này.

Xét về chủ quan trong bối cảnh hiện nay, những doanh nghiệp có tài chính đủ vững thường sẽ ủ hàng hoặc bán ra cầm chừng. Những đơn vị mạnh dạn bán hàng đợt này hoặc là đã có tính toán, trù bị và chiến lược kinh doanh khác, hoặc đang gặp áp lực tài chính lớn, bắt buộc phải đẩy hàng ra.

Tuy nhiên, từ góc độ bán hàng, giới kinh doanh cũng có cái lý khách quan của mình. Theo chu kỳ, trước và sau Tết là thời điểm nguồn vốn trong dân dồi dào, tổng kết thu nhập sau một năm lao động, kinh doanh. Nhu cầu ổn định, chuyển đổi, nâng cấp nhà cửa, cất trữ tài sản vì thế cũng gia tăng.

Mặt khác, phải kể đến dòng vốn và sự quan tâm của kiều bào từ nước ngoài đối với bất động sản. Ngoài khía cạnh gửi tiền về hỗ trợ thân nhân sắm sửa, làm việc lớn thì dòng vốn của Việt kiều còn đầu tư trực tiếp vào nhà đất như là thành quả lao động sau một năm bôn ba để khẳng định với gia đình, xã hội.

Dòng sản phẩm có giá trung bình, đáp ứng nhu cầu thực của thị trường và dòng sản phẩm cao cấp, phục vụ bộ phận những người nhiều tiền, muốn thể hiện đẳng cấp thông thường là chủ lực của thị trường nhà đất cuối năm.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó GĐ Công ty Tư vấn Tiếp thị CBRE đánh giá, những dấu hiệu ấm trở lại của các diễn biến kinh tế vĩ mô như tín hiệu mức lạm phát giảm dần, ngân hàng bắt đầu nới cho vay đối với một số loại hình BĐS là tiền đề tốt; cộng với nguồn tiền dự trữ trong dân còn dồi dào sẽ đem đến một diện mạo tích cực cho thị trường cuối năm.

"Chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi có cùng một nội dung như đã đến thời điểm mua vào hay chưa. Điều đó cho thấy nhu cầu và nội lực tài chính trong dân rất tốt. Quý 4 thường là quý sôi động của thị trường nhà đất nói riêng. Các doanh nghiệp gần như đánh giá sơ bộ được phần lời lãi của họ và người đi làm cũng biết được mức thu nhập, lương thưởng. Chủ đầu tư đưa ra mức giá và thiết kế phù hợp sẽ chắc chắn thu hút được người mua và khiến họ ra quyết định" - ông Tuấn nhận xét.

Dù phản ứng của khách hàng ra sao thì với các chủ đầu tư ra hàng tại thời điểm này, chắc chắn họ cũng đã xác định các phương án với mục tiêu dài hạn. Việc bên bán tăng cường nhiều hoạt động nhằm tiếp cận gần hơn với khách hàng nhìn nhận ở góc độ tích cực, là một động thái tốt đem đến nhiều lựa chọn đa dạng phong phú đáp ứng nhiều loại nhu cầu. Ngoài ra, sự đồng loạt ra hàng cũng tạo nên làn sóng, hiệu ứng, kích thích sự quan tâm lựa chọn, tăng thanh khoản cho thị trường.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF