Khắc phục hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai

Cập nhật 15/03/2013 09:24

Sáng 14/3, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).


Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Lâm/TTXVN)
Sáng 14/3, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển, nội dung Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân có nhiều điểm mới cơ bản, quy định rõ ràng và cụ thể hơn về quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai và trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước đối với đất đai.

Dự thảo quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất và căn cứ thu hồi đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế đồng thời khắc phục tình trạng tùy tiện trong thu hồi đất.

Dự thảo đã bổ sung quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất; lập Quỹ phát triển đất; tạo quỹ đất “sạch”; quy định cụ thể nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất; bổ sung quy định về nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; quy định về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án đặc biệt.

Về giá đất, Dự thảo đã sửa đổi quy định về nguyên tắc định giá đất theo hướng định giá đất theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất…; bổ sung quy định về việc ban hành, điều chỉnh khung giá đất, giá đất thuộc khu vực giáp ranh…

Bên cạnh đó là nhiều điểm mới liên quan đến các vấn đề quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; chế độ sử dụng các loại đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh sửa đổi Luật đất đai là vấn đề được toàn xã hội quan tâm và có liên quan đến nhiều cấp, ngành, đặc biệt là liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân, nhất là người nông dân.

Việc sửa đổi Luật đất đai lần này phải giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai, góp phần cải cách thủ tục hành chính về đất đai, vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ, vừa bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện; khắc phục tận gốc những hạn chế có thể gây mất ổn định xã hội.

Luật phải xử lý được mối quan hệ kinh tế thị trường và vai trò của Nhà nước nhằm điều tiết các lợi ích một cách tương đối hợp lý. Mặt khác, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, một số ý kiến đề xuất, Luật đất đai (sửa đổi) cần có nội dung nhất quán với những quy định của Hiến pháp.

Liên quan đến vấn đề quản lý đất đai, một số ý kiến cho rằng, cần làm rõ người hoặc cơ quan có trách nhiệm tham gia vào quá trình quản lý, sử dụng đất; ai là chủ sở hữu, ai đại diện chủ sở hữu, ai là người quản lý, ai là người trực tiếp sử dụng. Nếu chỉ nói chung là “Nhà nước” thì rất mơ hồ, dẫn đến lẫn lộn về nhận thức.

Ông Phạm Gia Hải, Hội đồng tư vấn về kinh tế của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, cần làm rõ vấn đề đại diện chủ sở hữu (cơ quan lập pháp) và thống nhất quản lý (cơ quan hành pháp); nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Theo ông, Quốc hội phải xem xét vấn đề quy hoạch đất đai trong phạm vi toàn quốc nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quản lý đất đai. Bên cạnh đó, quyết định toàn bộ vấn đề giao đất, cho thuê đất có liên quan đến an ninh-quốc phòng; việc sử dụng đất liên quan đến môi trường, di tích, danh lam, thắng cảnh quốc gia; những dự án sử dụng đất diện tích lớn, di dời dân nhiều.

Liên quan đến vấn đề trưng mua đất, ông Phạm Gia Hải nêu quan điểm: Đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước giao đất cho dân sử dụng và trưng dụng lại. Do đó dùng từ “trưng mua” là không phù hợp, không nên đặt vấn đề mua-bán mà quy định theo hướng “trưng dụng”; thể thức trưng dụng theo luật định; trừ trường hợp những dự án lớn, quan trọng, có tác động đến kinh tế-xã hội, nên để Nhà nước đứng ra trưng mua.

Vấn đề bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư cũng được nhiều ý kiến quan tâm góp ý với quan điểm bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, đúng quy định, ổn định đời sống và sản xuất cho người dân.

Theo các ý kiến, dự thảo mới chỉ chú ý đến việc bồi thường giá trị đất và giao đất mới mà chưa thực sự chú ý đến cuộc sống, sinh kế của người dân sau tái định cư. Thực tế, khi người dân thay đổi chỗ ở là kéo theo những đảo lộn về cuộc sống, nếp sinh hoạt, văn hóa phong tục, tập quán. Do đó, quy định về bồi thường cần chú ý hơn đến những khía cạnh này.

Trao đổi về giá đất, các ý kiến đều cho rằng, việc định giá đất trên cơ sở nào là một vấn đề lớn cần nghiên cứu kỹ trong lần sửa đổi này. Theo giáo sư Nguyễn Lang, Hội đồng Tư vấn về kinh tế của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, thực tế, sự thiếu thống nhất, minh bạch về giá đền bù là một trong những nguyên nhân gây bức xúc trong xã hội.

Giá đất phụ thuộc vào quy luật giá trị và sự vận dụng quy luật giá trị vào hoàn cảnh cụ thể nhưng hiện nay, việc xác định giá đất không dựa vào quy luật giá trị mà lại dựa vào giá trị sản phẩm mà đất đem lại hoặc theo quản lý hành chính. Ông tán thành nguyên tắc giá đất theo giá thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Liên quan đến nội dung quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân cho rằng, cần nâng cao hơn nữa vai trò giám sát của người dân về đất đai thông qua việc quy định rõ các hình thức giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp của người dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai thông qua đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc.

Người dân có quyền được cung cấp thông tin về kế hoạch, quy hoạch đất đai; cơ quan Nhà nước có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn các thắc mắc về đất đai của người dân.

Mặt khác, có cơ chế, chính sách để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tham gia giám sát; qua đó mới bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về đất đai.

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN