Kết nối TPHCM với các tỉnh miền Đông Nam bộ

Cập nhật 30/09/2009 10:30

Ngày 3-10-2009, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được khởi công xây dựng. Đây là một công trình có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Ngày 3-10-2009, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được khởi công xây dựng. Đây là một công trình có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Làm thông thoáng cửa ngõ phía Đông

Đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây dài khoảng 55 km với điểm bắt đầu là vị trí giao giữa đường Lương Định Của với trục đường Đông-Tây thuộc phường An Phú, quận 2, TPHCM và điểm cuối là quốc lộ 1A cách ngã ba Dầu Giây hiện hữu khoảng 2,7km về phía Bắc, thuộc xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Đường cao tốc đi qua địa phận TPHCM chỉ khoảng 10km nhưng con đường này vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với TPHCM. Bởi khi hoàn thành, đường cao tốc sẽ chia tải cho xa lộ Hà Nội, vốn đang quá tải.

Không chỉ vậy, khi kết nối với đại lộ Đông-Tây của TPHCM đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây sẽ tạo một hành lang giao thông từ miền Tây Nam bộ qua TPHCM đến miền Đông Nam bộ, nhất là khi đường cao tốc TPHCM-Trung Lương sẽ được kết nối với đại lộ Đông-Tây.

Đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây cũng sẽ nối với quốc lộ 51 để tới sân bay quốc tế Long Thành. Như vậy, việc xây dựng đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây sẽ tạo điều kiện cho việc sớm hình thành sân bay quốc tế Long Thành-một sân bay có tầm vóc khu vực và thế giới của Việt Nam.
 

Mô hình giao cắt giữa đường cao tốc với quốc lộ 1A tại Dầu Giây.


Nếu dự án nâng cấp quốc lộ 51 sớm hoàn thành thì việc kết nối giữa đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây với quốc lộ 51 có thể rút ngắn đoạn đường đi từ TPHCM đến Bà Rịa-Vũng Tàu xuống còn khoảng 90km (thay vì khoảng 120km). Điều này có ý nghĩa đối với việc phát triển hệ thống cảng biển ở Cái Mép-Thị Vải của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Xe container, xe tải có thể đi nhanh từ TPHCM ra Cái Mép-Thị Vải và ngược lại.

Sự hình thành đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây cũng sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của các đô thị phía Đông của TPHCM như các khu đô thị công nghệ ở quận 9, quận Thủ Đức… và nhiều đô thị khác của tỉnh Đồng Nai như Nhơn Trạch…

Sẽ có 2 giai đoạn đầu tư


Theo quyết định phê duyệt dự án của Bộ Giao thông Vận tải, việc xây dựng đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây sẽ được tiến hành theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, xây dựng một tuyến đường với 4 làn xe và tim tuyến trùng với tim tuyến trong giai đoạn hoàn chỉnh. Cụ thể, đoạn đầu tiên từ An Phú đến Vành đai 2 sẽ có chiều rộng nền đường là 25,5m, trong đó dải phân cách giữa 3m, phần mặt đường rộng 2x7,5m. Đoạn từ Vành đai 2 đến Long Thành có chiều rộng nền đường 27,5m, phần mặt đường rộng 2x7,5m, làn dừng xe khẩn cấp 2x3m. Đoạn từ Long Thành-Dầu Giây có chiều rộng nền đường 27,5m trong đó phần mặt đường rộng 2x7,5m, làn dừng xe khẩn cấp 2x3m. Giai đoạn 2, giai đoạn hoàn chỉnh sẽ làm đủ 8 làn xe từ An Phú đến Long Thành và 6 làn xe từ Long Thành đến Dầu Giây.

Trên toàn tuyến cao tốc sẽ có 1 cầu Long Thành vượt sông Đồng Nai với tổng chiều rộng 34m. Ngoài ra còn nhiều cầu cạn và các nút giao khác mức như nút giao Vành đai 2, nút giao quốc lộ 51, nút giao Dầu Giây…

Theo phê duyệt của Bộ Giao thông Vận tải, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 9.890,62 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 6.878,55 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (hoàn chỉnh), tổng mức đầu tư 18.884 tỷ đồng. Bộ GTVT là đơn vị đảm nhận đầu tư xây dựng công trình này.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng