Kết nối đông - tây, đột phá kinh tế

Cập nhật 21/11/2011 10:30

Đường hầm Thủ Thiêm - hầm dìm đầu tiên tại Việt Nam - được xây dựng ngay dưới lòng sông Sài Gòn với quy mô lớn nhất Đông Nam Á (dài 1,5km, rộng 33m, cao 9m) chính thức thông xe vào chiều 20.11.

Đường hầm Thủ Thiêm - hầm dìm đầu tiên tại Việt Nam - được xây dựng ngay dưới lòng sông Sài Gòn với quy mô lớn nhất Đông Nam Á (dài 1,5km, rộng 33m, cao 9m) chính thức thông xe vào chiều 20.11.

Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo thành phố, một số bộ, ngành và đại diện phía Nhật Bản đã đến tham dự sự kiện trọng đại này. Ngay sau buổi lễ thông xe, TPHCM đã tổ chức cho hàng nghìn người dân đi bộ trong đường hầm xuyên qua sông Sài Gòn để tham quan, trước khi chính thức cho các xe lưu thông qua hầm kể từ hôm nay (21.11.2011).

Hầm dìm vượt sông đầu tiên của Việt Nam


Sau gần 7 năm thi công với muôn vàn khó khăn và cả những sự cố kỹ thuật xảy ra, cuối cùng đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Hầm Thủ Thiêm có quy mô cao 9m, rộng 33m (2 chiều xe chạy, mỗi chiều 3 làn xe) có chiều dài gần 1,5km, trong đó phần hầm dìm dài 370m (4 đốt hầm, mỗi đốt dài hơn 92m và nặng 27.000 tấn) được lắp đặt dưới lòng sông cách mặt nước bên trên 24-27m.

Cửa hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Ảnh: Trần Phan

Vì đường hầm dìm nằm sâu dưới sông nên được thiết kế đảm bảo có lối thoát an toàn cho người tham gia giao thông khi chẳng may xảy ra các sự cố cháy, nổ trong hầm. Dọc hai bên hông trong đường hầm có lối thoát hiểm (rộng 2m, cao 2,5m), được ngăn cách với đường lưu thông của xe bởi tường bêtông dày 0,5m. Chạy dọc theo chiều dài của đường hầm có 38 cửa thoát nạn (mỗi cửa rộng 0,9m, cao 2,1m, cách nhau 50m).

Trong lối thoát nạn của hầm Thủ Thiêm được trang bị đầy đủ hệ thống đèn chỉ dẫn, loa, quạt hút gió, thoát khói và chống khói. Theo ông Hagiwara – GĐ dự án nhà thầu Obayashi (Nhật Bản) - tại các mối nối giữa 4 đốt hầm được lắp đặt bằng ron caosu đặc biệt do Nhật sản xuất - có tuổi thọ lên đến 100 năm. Xung quanh mối nối bên trong hầm còn được lắp đặt vách chống cháy bằng vật liệu calcium silicate dày 15mm và 35mm, có thời gian chịu lửa lên đến 240 phút, với khả năng chịu nhiệt trên 1.000 độ C. Bên trong hầm cũng lắp đặt hệ thống báo cháy cảm biến, khi nhiệt độ trên 57 độ C liên tục trong thời gian nhất định, hệ thống báo cháy tự động phát ra tín hiệu về trung tâm báo cháy và tự động điều khiển các thiết bị ngoại vi giải quyết sự cố trước khi lực lượng PCCC chuyên nghiệp có mặt. Bên cạnh đó, dọc trong hầm còn trang bị hệ thống loa phát thanh, camera, điện thoại báo khẩn cấp...

Kết nối đông – tây, thúc đẩy phát triển kinh tế

Phát biểu tại buổi lễ thông xe, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Việc thực hiện thành công công trình có ý nghĩa to lớn, rút ngắn thời gian đi lại giữa phía đông và tây thành phố, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và là con đường ngắn nhất kết nối trung tâm thành phố hiện hữu với bán đảo Thủ Thiêm, tạo tiền đề phát triển đô thị phía đông thành phố. Đại lộ Đông – Tây còn có ý nghĩa chiến lược về nhiều mặt, đặc biệt là tạo thành trục giao thông kết nối TPHCM với 2 vùng kinh tế lớn phía đông và phía tây của khu vực Nam Bộ sau khi được kết nối hoàn chỉnh với đường cao tốc TPHCM – Trung Lương ở phía tây và đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây ở phía đông. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh, dự án hoàn thành là kết quả của quan hệ hợp tác, tình hữu nghị lâu dài giữa Nhật Bản và Việt Nam thông qua sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong suốt quá trình thực hiện.

Xe lưu thông trong đường hầm nằm dưới lòng sông Sài Gòn. Ảnh: Trần Phan

Ông Tsuno Motonori – Trưởng Đại diện của JICA tại Việt Nam – chia sẻ: “Tôi đã tham gia vào hình thành dự án này từ những ngày đầu, nên rất vui mừng khi nhận thấy hôm nay, một diện mạo hoàn toàn mới. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào một tương lai thịnh vượng của khu vực Thủ Thiêm sau khi hoàn thành dự án”.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng cho biết, quá trình triển khai dự án là một cơ hội quý giá của thành phố trong việc huấn luyện, đào tạo nguồn nhân lực tiếp cận và quản lý các công nghệ kỹ thuật tiên tiến.

Kỹ sư Đặng Hoa Xuân (người trực tiếp tham gia xây dựng đường hầm) tâm sự: “Khoảng 6 năm làm việc tại công trình, tôi có điều kiện học hỏi nhiều về kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm lai dắt, lắp đặt, dìm những đốt hầm siêu trường, siêu trọng xuống dưới lòng sông từ những kỹ sư, chuyên gia của Nhật Bản. Tôi tin tưởng, công nhân, kỹ sư VN sắp tới có thể xây dựng những công trình có quy mô tương tự, mà không cần sự hỗ trợ của kỹ sư nước ngoài”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu các đơn vị liên quan chuẩn bị tốt mọi mặt để khai thác, quản lý, vận hành dự án đảm bảo tuyệt đối an toàn và hiệu quả nhất.

Tại buổi lễ thông xe, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Huân chương Lao Động hạng Nhì cho tập thể Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố và tặng Huân chương Lao Động hạng Ba cho 3 cá nhân của ban đã có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức thi công, lai dắt, lắp đặt thành công hầm Thủ Thiêm và đại lộ Đông – Tây. Ngoài ra, còn có 13 tập thể và 14 cá nhân nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Các mốc quan trọng của dự án

Ngày 13.9.2007, nhà thầu Obayashi đổ mẻ bêtông đầu tiên đúc bốn đốt hầm Thủ Thiêm ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đến năm 2008, xảy ra một số sự cố các đốt hầm bị nứt, thấm nước. Sau khi được khắc phục, ngày 7.3.2010, các đốt hầm lần lượt được lai dắt trên sông với chiều dài 22km - từ Đồng Nai về vị trí sông Sài Gòn để lắp đặt. Sau khi lắp đặt, các đốt hầm tiếp tục bị thấm nước và đã được nhà thầu khắc phục. Đến 21.9.2010, hầm Thủ Thiêm đã hợp long thành công. Chiều 19.11.2011, trả lời câu hỏi của PV , ông Ryuji Mani – GĐ dự án nhà thầu tư vấn Oriental (Nhật Bản) – cho biết, hiện các vết thấm đã xử lý xong và đảm bảo yêu cầu của thành phố đặt ra đạt tuổi thọ 100 năm.



DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động