Hy vọng vào cuộc thi

Cập nhật 18/09/2007 10:00

Đặc điểm nổi bật của việc phát triển đô thị hiện nay ở trung tâm TP.HCM là phải phát triển trên một đô thị đã định hình...

Đặc điểm nổi bật của việc phát triển đô thị hiện nay ở trung tâm TP.HCM là phải phát triển trên một đô thị đã định hình, kết hợp phát triển, bảo tồn và chỉnh trang. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của PGS - TS - KTS Nguyễn Khởi xung quanh những điều cần quan tâm khi phát triển nhà cao tầng ở trung tâm thành phố.

Ta phải thừa nhận phát triển đô thị cao tầng là cách duy nhất đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiều diện tích trong điều kiện quỹ đất đô thị hạn hẹp, thoả mãn hoạt động của nền kinh tế xã hội. Điểm mấu chốt là làm thế nào để đạt được sự hài hoà giữa việc bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hoá với việc xây dựng mới.



Cao ốc Vinaconex Tower
Hà Nội, toà nhà cao
nhất
Việt Nam với 34
tầng trong
số các nhà
đã xây

Trên thế giới, đã có nhiều bài học bổ ích về vấn đề này.

Có thể nói, trên thế giới đã diễn ra một cuộc đua về xây dựng nhà cao tầng . Cuộc chạy đua theo chiều cao đang diễn ra ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong hai thập kỷ trở lại đây, khu vực này đã chiếm tới 1/3 trong số 100 nhà chọc trời cao nhất thế giới. Sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế của khu vực này thời gian gần đây là nguyên nhân chính.

Nếu như ở châu Mỹ những ngôi nhà cao tầng được xây dựng tương đối độc lập trong các đô thị được phát triển một cách tự do, thì ngược lại ở châu Âu phải đối mặt với môi trường đô thị truyền thống đã ổn định. Đến năm 1949 ngôi nhà 30 tầng cao 104m đầu tiên mới được xây dựng ở Amiens (Pháp).

Ngôi nhà cao tầng đầu tiên của châu Âu đến nay vẫn tiếp tục là một đề tài gây tranh cãi vì nó được xây dựng ở gần Nhà thờ Lớn. Ở Milan (Italia) cũng có trường hợp tương tự với toà nhà Torre Velasca 29 tầng xây dựng vào năm 1958. Cả hai toà nhà này đã đặt châu Âu trước một vấn đề nhạy cảm là làm thế nào để các thành phố cổ kính thích nghi với trào lưu xây dựng hiện đại. Và châu Âu như muốn tìm cho mình con đường đi riêng. Đó là xu hướng xây dựng các cụm nhà cao tầng ở ngoại ô thành phố như khu thương mại xung quanh toà nhà Pirelli Building ở Milan chẳng hạn.



Trung tâm thành phố đang có
nhiều
nhà với các phong cách,
thời điểm
xây dựng khác nhau
cùng
chung sống

Một xu hướng khác là xây dựng các nhà cao tầng thành một tổng thể hoàn chỉnh được quy hoạch chặt chẽ, ví dụ như đại lộ Kalinin ở Matxcơva (Nga). Hoặc như khu đô thị mới LaDefense ở Paris, với hàng chục toà nhà ở cao từ 30 đến 50 tầng kết hợp với thương mại dịch vụ, văn hoá, thể thao được quy hoạch khá hoàn chỉnh theo nguyên tắc tách biệt các luồng giao thông cơ giới và bộ hành.

Ngoài ra còn có xu hướng sử dụng vật liệu như bêtông cũng là phương thức để công trình dễ ăn nhập với cảnh quan đô thị đã ổn định về phong cách hơn là việc sử dụng vật liệu kính, thép như ở Mỹ.

Như vậy nhà cao tầng ở châu Mỹ thể hiện tính cá thể và sự chạy đua giữa các tập đoàn tài chính, còn ở châu Âu thì lại yêu cầu các quần thể đô thị truyền thống phải tuân thủ theo quy hoạch và môđun quy hoạch chung. Ở Paris người ta đã từng hạn chế chiều cao của nhà cao tầng trong các khu đô thị mới là 100m để đảm bảo tính đồng nhất của cảnh quan chung. Còn ở Đức chiều cao nhà cao tầng được giới hạn bằng khoảng cách giữa nó với công trình bên cạnh.



Phối cảnh cao ốc Bitexco
Financial đang xây, từng
được coi là cao nhất từ
cuối năm 2005 đến tháng
8.2007, khi Hanoi Landmark
Tower được khởi công

Theo kinh nghiệm xây dựng nhà cao tầng ở các nước tiên tiến trong môi trường đô thị cần phải thiết lập được sự hài hoà và chuyển tiếp hợp lý giữa các nhà cao tầng mới xây và các công trình hiện hữu xung quanh, đồng thời tôn trọng cơ cấu và đặc trưng đô thị sẵn có.

Một ví dụ khá thành công là để bảo tồn không gian nhà thờ Đức Bà, Metropolitan Tower với các khối nhỏ và được đẩy lùi xa quảng trường nhà thờ. Diamond Plaza cao 21 tầng cũng được xây dựng theo nguyên tắc trên. Khối bệ 4 tầng của toà nhà được mô phỏng theo phong cách kiến trúc Pháp trước đó nhằm tạo ra được một số dạng liên kết với khu vực xung quanh.

Trong khi đó, thật đáng tiếc khách sạn Caravelle 24 tầng với phong cách kiến trúc hiện đại lại xây dựng quá gần Nhà hát lớn TP, làm cho công trình này như bị thu nhỏ lại gây nên một cảm giác khó chịu. Cũng như thế, toà nhà Indochine Park Tower cao 18 tầng ở góc đường Lê Quý Đôn - Nguyễn Thị Minh Khai đã phá vỡ cấu trúc đô thị của khu vực có nhiều biệt thự ở quận 3. Cùng với nó là toà nhà Thông tấn xã Việt Nam có thể làm tổn hại đến cảnh quan kiến trúc của Dinh Thống Nhất, một di tích lịch sử văn hoá đặc biệt cấp quốc gia.



Cao ốc Hanoi Landmark
Tower 70 tầng vừa khởi
công ở Hà Nội, được coi
là toà nhà cao nhất Việt
Nam hiện nay

Trong khi đó trên đường Nguyễn Huệ hiện nay các nhà cao tầng đua nhau mọc lên, mỗi công trình có một vẻ đẹp riêng, nhưng nhìn chung, chúng không tạo ra được một tổng thể hài hoà và có sắc thái riêng của một đô thị phương Nam.

Vấn đề xây nhà cao tầng ở trung tâm TP.HCM đã từng gây ra nhiều tranh cãi và cả đập phá nữa. Từ vụ “xa xưa” như toà nhà PDD đến vụ mới đi vào quên lãng như “cắt ngọn” hàng loạt nhà ở khu Phạm Ngũ Lão vài năm trước hoặc việc có ý định xây nhà 54 tầng ở công viên 23.9... Tất cả những vấn đề đặt ra trong quy trình phát triển hy vọng sẽ được giải quyết, ít nhất là ở phần ý tưởng của cuộc thi đang diễn ra.

Theo Kinh Tế & Đời Sống