Huy động nhiều nguồn vốn cho cao tốc Bắc - Nam

Cập nhật 28/01/2015 14:30

Đường cao tốc Bắc Nam đang dần lộ diện hình hài khi hàng loạt đoạn tuyến đã và đang được khẩn trương thi công, hoàn thành. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn nhiều đoạn tuyến đang trong quá trình kêu gọi vốn xây dựng, vì vậy Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang tạo mọi cơ chế đột phá để hút vốn đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu thông tuyến vào năm 2020.

Đường cao tốc Bắc Nam đang dần lộ diện hình hài khi hàng loạt đoạn tuyến đã và đang được khẩn trương thi công, hoàn thành. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn nhiều đoạn tuyến đang trong quá trình kêu gọi vốn xây dựng, vì vậy Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang tạo mọi cơ chế đột phá để hút vốn đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu thông tuyến vào năm 2020.

Rút ngắn dần khoảng cách

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thông xe ngày 21/9/2014 đã rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3,5 so với 7 tiếng trước đây. Điều này giúp mở ra cơ hội phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương khu vực Tây Bắc, giảm áp lực giao thông và tai nạn giao thông cho QL2, 2B, 32C, 4E, 70…

Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những điểm đầu cao tốc Bắc- Nam, có quy mô lớn nhất tại Việt Nam, dài là 245 km, đi qua 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và kết nối hành lang đường bộ Côn Minh (Trung Quốc) - Hải Phòng.

Cao tốc Bắc Nam. (Ảnh Bộ GTVT cung cấp).

Một điểm cuối của cao tốc Bắc- Nam là đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, ngày 8/2/2015 tới đây sẽ thông xe toàn tuyến, cũng góp phần rút ngắn thời gian đi từ TP Hồ Chí Minh đến Vũng Tàu dài khoảng 120 km chỉ còn hơn 1 giờ.

Tại “khúc ruột miền Trung”, cuối năm 2014, Bộ GTVT cũng đã khởi công đoạn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đoạn tuyến này dự kiến hoàn thành vào năm 2017, sẽ góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân các tỉnh miền Trung, kết nối vận chuyển quốc tế tam giác kinh tế: Lào - Campuchia - Việt Nam qua hành lang Kinh tế Đông Tây đến các cảng miền Trung Việt Nam. Ngoài ra, tuyến đường còn góp phần quan trọng cho việc đảm bảo giao thông thông suốt, cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân trong khu vực thường xuyên bị ngập lụt trong mùa mưa lũ.

Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc (VEC), đơn vị lập quy hoạch cao tốc Bắc - Nam, để dồn lực hoàn thiện cao tốc này, Chính phủ đã cho phép áp dụng nhiều hình thức đầu tư xây dựng như: BOT (đầu tư, kinh doanh, chuyển giao), BTO (đầu tư, chuyển giao và khai thác), BT (đầu tư, chuyển giao) và PPP (phối hợp đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân); đồng thời tạo mọi điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư về các chính sách, thuế, phí, lệ phí, nhượng quyền, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ…

Nhờ vậy, đến nay, nhiều đoạn tuyến đã hoàn thành mang lại hiệu quả kinh tế cao, rút ngắn khoảng cách các vùng miền. Dự kiến đến năm 2020, cao tốc Bắc - Nam dài hơn 2.000 km từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau sẽ hoàn thành.

Tạo cơ chế đột phá để hút vốn đầu tư

Qua tìm hiểu thực tế triển khai cao tốc Bắc Nam hiện nay, việc triển khai thi công ở những đoạn tuyến sử dụng vốn vay ODA thuận lợi hơn so với dự án sử dụng vốn ngân sách. Thế nhưng, nhiều dự án ODA cũng không suôn sẻ khi vốn đối ứng của ngân sách cấp chậm cho công tác đền bù, giải tỏa. Do đó, Bộ GTVT đã quyết định áp dụng cơ chế linh hoạt vừa hoàn thiện các tiểu dự án bằng vốn ODA, vừa huy động, chuyển giao cho các nhà đầu tư BOT, BTO, BT, PPP để đẩy nhanh thi công và cho phép nhà đầu tư này được thu phí sau khi thông tuyến để hoàn vốn.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, hoàn thành cao tốc Bắc- Nam là nhiệm vụ được Chính phủ đặc biệt quan tâm và việc huy động linh hoạt các nguồn vốn đầu tư đã được Chính phủ chấp thuận. Đây là giải pháp đột phá để nhanh chóng hoàn thiện cao tốc.

Vì vậy, Bộ GTVT đã và đang tạo mọi điều kiện huy động các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư theo hình thức BOT, mà điển hình là các dự án sắp được triển khai trong năm 2015 thuộc đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa - Vũng Áng (Hà Tĩnh). Một hình thức rất tiềm năng khác là chuyển nhượng các dự án đã hoàn thành lấy tiền đầu tư các công trình mới cũng đang được được Bộ GTVT triển khai quyết liệt.

Ông Mai Tuấn Anh cho biết: VEC đang lên phương án bán cả 5 tuyến cao tốc đã và đang đầu tư. Trong đó, tiềm năng nhất là tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký đầu tư thi công.

Ở góc độ quản lý, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã chấp thuận. “Trước đây, các tuyến cao tốc chỉ chuyển nhượng quyền thu phí trong thời hạn 5 năm, thì hiện nay có thể chuyển nhượng toàn bộ dự án để lấy vốn đầu tư các dự án tiếp theo…

Ngoài ra, VEC cần xây dựng cơ chế sử dụng đất đai hai bên đường của các tuyến cao tốc để phát triển với phương châm lấy hạ tầng nuôi hạ tầng. Đặc biệt là việc liên danh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào những dự án hạ tầng cao tốc”, Bộ trưởng nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Tin tức