Nhiều doanh nghiệp không đủ nguồn lực đầu tư vẫn được cấp hàng ngàn héc-ta ở những khu "đất vàng" ở giữa TP Huế để triển khai dự án để rồi... "án binh bất động".
Công trình của dự án trung tâm du lịch dịch vụ Hue Plaza không “chịu“ hoàn thiện nằm phơi giữa mưa nắng ảnh hưởng đến một TP du lich. |
Tình trạng dự án đất "vàng" biến thành dự án "treo" gây lãng phí và ảnh hưởng đến bộ mặt mỹ quan đô thị Huế.
Dự án "đất vàng" dở dang
Năm 2007, UBND tỉnh TT-Huế đã có quyết định về việc thu hồi diện tích 6.257 m2 đất ở Bến xe An Hòa cũ (P.Phú Thuận, TP Huế) cho Cty TNHH Hồng Phú thuê toàn bộ diện tích đất thu hồi nói trên để sử dụng vào mục đích xây dựng Trung tâm Thương mại An Hòa, với thời hạn thuê là 50 năm. Khi được cấp giấy chứng nhận, chủ đầu tư cho triển khai ép một số cọc trụ và một số hạng mục nhỏ khác, rồi "án binh bất động" nhiều năm qua.
Dự án Siêu thị, cao ốc văn phòng Viwaseen tọa lạc ngay trung tâm TP Huế, điểm giao nhau giữa đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Nguyễn Tri Phương và Ngô Quyền, với diện tích 2.577m2, cao 15 tầng. Dự án mới xây dựng phần thô rồi nằm bất động phơi giữa mưa nắng của miền Trung nhiều năm qua. Cận đó, dự án xây khách sạn U Hotel Huế, diện tích 7.000m2 nằm ở vị trí đẹp với hai mặt tiền ở đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Khi đấu giá trúng lô đất chủ đầu tư triển khai khởi công cho ép 126 cọc nhồi từ tháng 8/2011. Do gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, dự án đã ngừng thi công từ cuối năm 2011. Trên công trường vẫn một bãi đất cỏ dại mọc um tùm, một số diện tích còn lại được người dân thuê làm nơi trồng, chăm thuê cây cảnh, rửa xe và mở quán nhậu.
Dự án Siêu thị, cao ốc văn phòng Viwaseen cao chộc trời chỉ mới xây dựng xong phần thô rồi "án binh bất đồng nhiều năm nay"
|
Năm 2009, UBND tỉnh làm thủ tục cho Cty CP Đầu tư và Du lịch Petrolimex Huế thuê diện tích 4.575m2 ở số 50A Hùng Vương, trong thời gian 50 năm để xây dựng Khu khách sạn Petrolimex. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ đầu tư chỉ ép 501 cọc móng và một số hạng mục nhỏ khác. Công trình đã ngừng thi công, tiến độ chậm 2 năm.
Dự án trung tâm du lịch dịch vụ HuePlaza tọa lạc ngay dưới chân cầu Phú Xuân ở khu vực trung tâm năng động phía Nam thành phố do Cty CP Du lịch Huế làm chủ đầu tư. Được cấp giấy đầu tư vào tháng 4/2008. Cty cam kết hoàn thành vào quý IV/2012. Dự án đã xong phần thô với 5 tầng, 1 tầng hầm với diện tích sàn 5.728m2 từ quý III/2011 và đã tạm dừng thi công cho đến nay.
Đặc biệt, dự án ở khu đất số 4 đường Hà Nội được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) mua thông qua trúng đấu giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng giá trị 130,7 tỷ đồng vào tháng 3/2012. Kể từ ngày trúng đấu giá đến nay, chủ đầu tư chưa triển khai xây dựng trên thực địa. Nguyên nhân, do nguồn vốn tham gia đấu giá lô đất trên bao gồm có Cty ĐTPT Hạ tầng đô thị UCID - đơn vị liên danh liên kết với VNPT. Do vậy, Cty đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh lại quyết định để bổ sung đơn vị liên danh vào kết quả trúng giá lô đất. Tuy nhiên vấn đề này không thể giải quyết do vướng các quy định của pháp luật. Hiện tại, chủ đầu tư đang tiếp tục xem xét giải pháp để liên doanh, liên kết , huy động vốn triển khai dự án.
Khu đất số 4 Hà Nội vẫn "án binh bất động" từ khi nhận đất
|
Khó thu hồi
Trong cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Văn Phương - Giám đốc Sở KH&ĐT TT-Huế cho biết, những dự án “đất vàng” trên được các nhà đầu tư mua và thuê đất dài hạn đến 50 năm, nên rất khó trong việc thu hồi dự án. Đơn vị đang cố gắng làm việc với các chủ đầu tư để dự án trên tiếp tục triển khai sớm cán đích để đưa bộ mặt TP Huế ngày một khang trang.
Ngoài dự án Trung tâm dịch vụ du lịch Hue Plaza đã có cam kết “cứng rắn” thể hiện sự quyết tâm của chủ đầu tư. Hai dự án Siêu thị, cao ốc văn phòng Viwaseen và Khách sạn Petrolimex, tỉnh phải “chung tay”, phối hợp cùng chủ đầu tư tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư mới để đầu tư hoàn thiện và chuyển nhượng cổ phần. Riêng khách sạn Petrolimex, nếu việc tìm kiếm đối tác không khả thi, tỉnh sẽ chấm dứt đầu tư, thu hồi dự án để kêu gọi nhà đầu tư khác. Hai dự án khách sạn U Hotel và khu đất số 4 đường Hà Nội vì tổng vốn đầu tư khá lớn (gồm tiền mua quyền sử dụng đất và phần vốn đã đầu tư hạ tầng) nên tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư tìm nguồn vốn vay trong, ngoài nước hay tìm đối tác có tiềm lực tài chính để chuyển nhượng dự án. Nếu không triển khai được trong thời gian dài, phương án cuối cùng được xem xét là chấm dứt đầu tư, thu hồi dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng