Hợp tác xã nhà ở gặp khó (Tiếp theo)

Cập nhật 19/07/2007 10:00

Trong Hợp tác xã nhà ở, Ban quản trị khu nhà sẽ trích một phần vốn từ chương trình Tiết kiệm nhà ở và phần dịch vụ gia tăng thu được để bảo dưỡng nhà...

Trong Hợp tác xã nhà ở, Ban quản trị khu nhà sẽ trích một phần vốn từ chương trình Tiết kiệm nhà ở và phần dịch vụ gia tăng thu được để bảo dưỡng nhà, bảo dưỡng hệ thống cấp nước, thải nước, thu gom rác, chiếu sáng, an ninh, vệ sinh môi trường...

Ông Nhật cũng cho biết thêm, mô hình Hợp tác xã nhà ở còn góp phần thay đổi nếp sống “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, gắn kết con người trong cộng đồng cùng chung tay xây dựng và bảo vệ khu nhà mình đang sống.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Tuy vậy, theo Ban Quản lý dự án Hợp tác xã nhà ở, mô hình hiện đang gặp khá nhiều khó khăn. Đầu tiên là việc giải quyết quỹ đất. Hiện tại, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đang lập hồ sơ đề nghị UBND Hà Nội và Tp. HCM bố trí diện tích đất triển khai dự án. Tại Hà Nội, dự kiến khu đất dành cho dự án này ở khu vực Trung Hoà (Cầu Giấy).

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án cũng tích cực tìm kiếm giải pháp khác thúc đẩy phát triển mô hình Hợp tác xã nhà ở, nhất là tại các khu chung cư mới xây dựng thông qua chuyển đổi mô hình quản lý đưa ban quản trị những khu nhà nói trên vào chương trình Hợp tác xã nhà ở.

Thêm một khó khăn nữa là việc giải quyết 70% vốn vay trên mỗi căn hộ cho các xã viên. Theo tính toán ban đầu, các xã viên trả trước 30% giá trị mỗi căn nhà và 70% còn lại vay ưu đãi từ các ngân hàng. Trong bối cảnh bùng nổ cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại, việc cho vay ưu đãi về lãi suất và thời hạn là không đơn giản vì ngân hàng nào cũng đặt lợi nhuận lên hàng đầu.

Ông Nhật cho biết, Ban Quản lý dự án đã liên hệ với Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn nguồn vốn này. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, tỏ ra e ngại: “Quỹ chưa có cam kết cụ thể nào với dự án để giải quyết phần vốn vay này cho xã viên vì còn thiếu pháp nhân cụ thể đảm bảo cho giao dịch thành công”.

Ông Hùng cho rằng, vay là một chuyện nhưng đề phòng trường hợp chai lì thanh toán khoản nợ với quỹ, rất cần có một pháp nhân là tổ chức đứng ra đảm bảo.

Giải quyết bế tắc này, ông Nhật lập luận: “Thực ra khi vay, các xã viên đã lấy ngay căn hộ mà mình đang mua để thế chấp cho Quỹ thì pháp nhân hay không, chẳng quan trọng. Trong trường hợp dây dưa trả nợ vay, Quỹ có thể niêm phong chính căn hộ đã được xã viên thế chấp”. Như vậy, dự án này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu các bộ ngành và địa phương không quan tâm, chung tay tháo gỡ, sẽ khó khả thi.

Theo Nguyễn Mạnh - VnEconomy