Hơn 7.000 tỉ đồng xây nhà lưu trú cho công nhân

Cập nhật 04/06/2010 10:10

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, hiện Bộ Xây dựng đang làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhằm dành hơn 7.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp vay để triển khai 43 dự án nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp. 

 

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, hiện Bộ Xây dựng đang làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhằm dành hơn 7.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp vay để triển khai 43 dự án nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp.

Ông Nam cho biết trước mắt trong năm nay, sẽ ưu tiên vốn cho đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân tại các khu công nghiệp ở các khu đô thị, các thành phố lớn trên cả nước, nơi có nhiều người lao động đang có nhu cầu bức thiết về nhà ở.

Trong tháng 6 này, Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ hoàn tất phần thẩm định để cho vay đợt 1 theo đề xuất của doanh nghiệp triển khai 43 dự án nhà ở cho công nhân, góp phần giải quyết thêm chỗ ở cho hàng chục ngàn người lao động, người có thu nhập thấp trong thời gian tới.

Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 194 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 1 triệu lao động trực tiếp và gần 1,5 triệu lao động gián tiếp. Khoảng 70% người lao động đang có nhu cầu về chỗ ở.

Tuy nhiên đến nay, cả nước mới chỉ có khoảng 265 dự án nhà ở công nhân đăng ký triển khai, tổng mức đầu tư khoảng 60.000 tỉ đồng.

Nhiều năm qua, mặc dù nhu cầu nhà ở cho công nhân là vô cùng lớn, nhưng hầu như doanh nghiệp chưa mặn mà trong việc đầu tư xây nhà lưu trú vì thiếu các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt về vốn đầu tư. Trong khi đó, thời gian thu hồi vốn của dự án nhà lưu trú thường kéo dài khá lâu (khoảng trên 20 năm), trong khi vốn đầu tư lại tương đối lớn và quỹ đất lại không còn, chi phí bồi thường giải tỏa ngày càng tăng cao.

“Việc xây nhà lưu trú cho công nhân đã được giải quyết dần trong nhiều năm. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình vì quỹ đất còn đang khó khăn, giá đất đắt đỏ, tiền giải phóng bồi thường mặt bằng lớn, chưa kể nguồn vốn xây dựng nhà cũng khá lớn, lâu thu hồi vốn nên doanh nghiệp còn e dè”, ông Nam nói.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất TPHCM, hiện thành phố có 15 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động thu hút khoảng 250.000 lao động, trong đó, có đến 70% người lao động có nhu cầu bức thiết về nhà ở. Tuy nhiên, do thiếu quỹ đất, đến nay, chỉ có 2 khu công nghiệp và 2 khu chế xuất đã xây nhà lưu trú cho công nhân đáp ứng khoảng 5.700 chỗ ở.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG