Năm 2007 chứng kiến một cuộc biểu diễn ngoạn mục của thị trường bất động sản (BĐS). Trên cái đà ấy, dự báo 2008 là một năm tiếp tục sôi động nhưng có trật tự, ổn định hơn. Hiện có đến 40 quỹ nước ngoài đã và đang thành lập với số vốn 20 tỷ USD chờ tham gia vào BĐS.
2007: Thị trường bất động sản tăng ngoạn mục
Năm 2007 là năm bất thường của thị trường BĐS với 3 đợt "sốt" là vào tháng 2, tháng 8 và cuối năm, còn khoảng giữa đó là những ngày trầm lắng.
Với 3 đợt sốt trong vòng chỉ 1 năm đã giúp thị trường BĐS tăng trưởng vượt bậc. Theo một doanh nghiệp cung cấp thông tin về bất động sản, năm 2007 nguồn vốn đầu tư vào BĐS đạt 5 tỷ USD. Số này chủ yếu từ nguồn vốn FDI và kiều hối. Riêng TP.HCM chỉ trong 11 tháng, trong số 2,5 tỷ FDI đã có tới 85% đầu tư vào BĐS.
Giá nhà đất tăng mạnh là điều dễ thấy nhất ở thị trường BĐS 2007. Đất đai đã tăng từ 80% đến gấp đôi ở các khu vực quận 2, 7, 9, tăng đến 70 - 80% ở các quận Bình Chánh, Nhà Bè và dự kiến các khu vực này sẽ tiếp tục tăng vào 2008. Giá chung cư cao cấp tăng gấp đôi giá ban đầu. Điều đó thể hiện rõ ở các dự án River View, The Vista, Sky Garden 3, Blue Diamond vừa qua.
Ông Brett Ashton, Giám đốc quản lý Công ty dịch vụ BĐS Savills Việt Nam, nhận định: "Giá BĐS đã tăng gấp đôi chỉ trong 12 tháng và thậm chí đã gấp 3 trong 18 tháng qua".
Sự tăng trưởng khá mạnh của thị trường BĐS năm 2007 một phần rất quan trọng là nhờ vào sự góp mặt của hàng loạt gương mặt mới chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực này như ôtô Trường Hải, Viettronic Tân Bình, Dệt may Thành Công, Savimex, Kinh Đô, Giấy Viễn Đông, Sơn Đồng Nai, Cơ điện lạnh REE...
Tất nhiên, đó cũng là năm trưởng thành của các doanh nghiệp BĐS trong nước. Các công ty Nam Long, Hoàng Anh Gia Lai, Him Lam, 584... đã khẳng định đủ sức đứng vững trên thị trường. Trong đó có thể kể đến sự xuất hiện bất ngờ và ấn tượng của Hoàng Anh Gia Lai với tổng cộng 17 triệu mét vuông sàn tương đương 17.000 căn hộ, tiếp đến là Công ty liên doanh Bitexco với con số cách biệt 10 lần, chỉ 200.000m2 sàn.
2007 cũng là năm đón nhận các đại gia nước ngoài tham gia vào thị trường BĐS, và đó là một kênh hút luồng tiền nước ngoài hiệu quả. Có thể kể ra đây 3 quỹ đầu tư BĐS của tập đoàn Indochina Land, tập đoàn Indochina Capital, các quỹ của VinaCapital, cùng hàng loạt công ty Singapore, Malayssia, Mỹ... với số vốn hàng tỷ USD.
Sự sôi động này sẽ là cái đà cho thị trường BĐS 2008 tiếp tục tăng trưởng. Tổ chức Urban Land Pricewaterhouse Coopres (PwC) đánh giá thị trường BĐS TP.HCM thuộc top 10 thị trường triển vọng nhất châu Á.
2008: Sản phẩm cao cấp được ưa chuộng
Theo nhận định của giới chuyên gia, thị trường BĐS năm 2008 sẽ tăng trưởng 20-30%.
Hàng loạt công ty đã tập kết nguồn tài lực để chuẩn bị cho một cuộc "chạy đua" dốc sức vào BĐS.
Tuy nhiên cung vẫn chưa đủ cầu, và
tình trạng chen lấn giành mua căn
hộ vẫn có thể sẽ còn tái diễn.
Sự kiện dự án căn hộ cao cấp được người dân tranh nhau mua đã mở ra một hướng mới của thị trường BĐS, là đầu tư những sản phẩm chất lượng cao. Hầu hết các căn hộ được thiết kế theo phong cách phương Tây hiện đại và thiết bị chất lượng Hoa Kỳ, châu Âu.
Theo Công ty CBRE, xu hướng năm 2008 thị trường sẽ chuộng loại căn hộ có chất lượng cao, môi trường sống tốt. Theo ông Lê Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển và Kinh doanh nhà Hoàng Anh, người dân ngày càng có thu nhập khá, mong muốn có một môi trường sống tốt hơn, văn minh hiện đại.
Các dự án Saigon Pearl, Dragon City, Phú Hoàng Anh, Saigon New, River View, The Everick, The Vista, dự án của Phú Mỹ Hưng, Estella, Préche Thảo Điền... sẽ lần lượt tung ra thị trường hàng loạt căn hộ, văn phòng cao cấp giá vài nghìn USD.
David Blackhanll, Phó giám đốc điều hành VinaCapital, nói rằng hiện nay trả giá 1.500 USD - 2.000 USD/m2 BĐS "không có gì là lạ". Thậm chí, giá căn hộ với mức này đã được xem là thấp, và sẽ có một mặt bằng giá từ 2.000 USD trở lên. Còn Brett Ashton, Giám đốc Điều hành Cty BĐS Savills, cho biết giá thuê văn phòng năm 2008 có khả năng lên tới 45 USD/m2.
Ngoài các công ty trong nước, nước ngoài và liên doanh, hiện có đến 40 quỹ nước ngoài đã và đang thành lập với số vốn 20 tỷ USD chờ tham gia vào BĐS.
Niềm tin vào một thị trường tăng trưởng Cung vẫn không đủ cầu, mặc dù dự báo năm 2008 sẽ có một lượng hàng khổng lồ tung ra.
Góp vào nguồn cầu là chủ trương mở của Chính phủ khi cho phép Việt Kiều được mua nhà. Có 16.000 Việt kiều đủ điều kiện được mua nhà, góp vào một lượng cầu lớn.
Năm 2008 Việt Nam tiếp tục chào đón DN nước ngoài vào làm ăn, và nhu cầu thuê văn phòng vẫn tiếp tục tăng. Năm 2007, theo khảo sát của Công ty BĐS Savills và CBRE, tỷ lệ cho thuê văn phòng đến 97-99%. Theo Savills, TP.HCM hiện có 50 cao ốc, 2.370 văn phòng cho thuê, công suất 97%. Riêng ở Hà Nội luôn trong tình trạng khan hiếm, cháy văn phòng cao cấp.
Luồng vốn FDI và kiều hối trong năm 2008 sẽ đổ về lớn, và tiếp tục được rót vào BĐS. BĐS sẽ không thiếu vốn như trước đây, và đây là cơ sở để lĩnh vực này tăng trưởng mạnh, khác với cảnh dự án không có vốn phải đắp chiếu như trước đây.
Hành lang pháp lý ngày càng mở rộng và chính sách ngày càng minh bạch với các Luật như: Luật đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Chính sách thuế Thuế sử dụng đất... đã giúp DN mạnh dạn đầu tư hơn trước.
Và cuối cùng là một lượng tiền từ TTCK ế ẩm đã chuyển sang BĐS.
Những mối quan tâm
Trước sự phát triển nóng như vậy, việc quản lý và định hướng để thị trường đi đúng hướng không sinh ra hệ lụy, là mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý.
Chẳng hạn, một trong những lý do khiến giá nhà đất đặc biệt là chung cư cao cấp tăng bất kể, một phần góp vào đó bởi việc đầu cơ, kích cầu ảo của giới buôn bán, cò, đầu nậu mua bán lòng vòng.
BĐS tăng nóng cũng là một nguy cơ dẫn đến đổ vỡ thị trường, và kéo theo cả một nền kinh tế khủng hoảng. Sự cố đổ vỡ BĐS Mỹ mới đây nhất là một bài học. Tác động đã loang đến cả châu Âu, châu Á.
Bởi vậy, chống đầu cơ là giải pháp để giúp một thị trường lành mạnh. Một trong giải pháp mà trước đây nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ thường xuyên đề xuất và sắp tới sẽ được Chính phủ thực hiện, là áp dụng đánh thuế lũy tiến người nắm nhiều BĐS.
Cải cách hành chính, mở rộng cơ chế tạo hành lang thông thoáng để giúp dự án mau chóng được thực hiện, giúp có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường để cân đối cung - cầu là việc mà DN luôn luôn trông mong vào Nhà nước.
Trong một lần nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho rằng để bình ổn thị trường, cần phải giải quyết triển để vấn đề cung - cầu, công khai hóa tất cả các dự án, thực hiện tốt giải pháp chống đầu cơ đất đai, đẩy mạnh các thủ tục hành chính giúp thông suốt dự án.
Theo Tổng Giám đốc một công ty địa ốc, để tăng tính minh bạch cho BĐS, cần phải đưa BĐS giao dịch qua sàn. Điều này đã đề cập từ rất lâu nhưng chưa làm được.
Theo VietNamNet