Hội An: Bán đất "vàng" dự án "treo", thu 92 tỷ đồng

Cập nhật 26/11/2007 16:00

Lần đầu tiên chính quyền thị xã Hội An, Quảng Nam đã mạnh dạn tổ chức bán đấu giá thu tiền đất 1 lần của một dự án "treo" đã bị thu hồi tại khu vực ven biển, được hơn 92 tỷ đồng.

Lần đầu tiên chính quyền thị xã Hội An, Quảng Nam đã mạnh dạn tổ chức bán đấu giá thu tiền đất 1 lần của một dự án "treo" đã bị thu hồi tại khu vực ven biển, được hơn 92 tỷ đồng.

Đây là khu đất rộng hơn 3,3 ha nằm tại khu vực dọc biển Cửa Đại, thuộc phường Cửa Đại, thị xã Hội An được đánh giá là lô đất "vàng".

Trước đó, lô đất vàng này được chính quyền Hội An và tỉnh Quảng Nam cấp cho một doanh nghiệp đầu tư triển khai dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng. Thế nhưng, dự án khu nghỉ dưỡng này không được triển khai, bị "treo" hơn 5 năm nay. Thế nên, lô đất bị UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định thu hồi và bàn giao cho chính quyền Hội An quản lý, để giao cho một đơn vị khác triển khai dự án mới.

Được xác định là khu đất "vàng" nên chính quyền Hội An không giao cho bất kỳ đơn vị nào như đã làm trước đây mà tổ chức bán đấu giá thu tiền đất 1 lần.

Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND thị xã Hội An cho biết: Trong quá trình tổ chức bán đấu giá công khai lô đất này, đã thu được kết quả khá bất ngờ, giá trị lô đất cao gấp hàng chục lần giá trị cho thuê đất các dự án như đã triển khai trước đây tại các khu đất vàng dọc ven biển Hội An.

Đây được xem là lô đất có giá trị cao nhất được bán đấu giá tại Quảng Nam. Đơn vị trúng đấu giá để xác lập chủ quyền lô đất này là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Phát Đạt, (trụ sở tại 940b, đường 3 tháng 2, quận 5 TP. HCM) đã trúng đấu giá, với mức giá cao nhất (hơn 92 tỷ đồng) để đầu tư xây khu khách sạn cao cấp.

Đất "vàng" bị... cho không?



Đất dự án được san ủi bằng phẳng rồi... để đấy.

Do nhiều dự án không được triển khai, nên bắt đầu từ năm 2007, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã mạnh tay ra quyết định thu hồi 47dự án "treo" nhiều năm nay của các nhà đầu tư trong và ngoài nước không triển khai thực hiện.

Một vị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, có hơn 40 dự án du lịch đã được cấp phép và cho thuê đất dọc ven biển Điện Bàn - Hội An trong những năm qua (thời hạn cho thuê là 50 năm và gia hạn 20 năm), với giá cho thuê đất rất rẻ (chưa kể các cơ chế chính sách ưu đãi). Đây đều được xem là những diện tích đất "vàng" nhưng đã được cấp  cho các nhà đầu tư để triển khai các dự án, chủ yếu là dự án du lịch.

Nếu toàn bộ các lô đất nói trên được đem bán đấu giá như Hội An, thì nguồn thu từ đất lên hàng nghìn tỷ đồng (1 ha có giá từ 1-3 tỷ đồng tuỳ vị trí), thì Quảng Nam cũng có một nguồn kinh phí khá lớn để đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh.

Với các dự án "treo" được thu hồi, chính quyền Quảng Nam lại tiếp tục giao cho chủ đầu tư khác với điều kiện phải ký cam kết và kỹ quĩ đầu tư 150 triệu đồng/ha. Nếu không triển khai đúng thời hạn đã cam kết, sẽ thu hồi dự án, thu luôn tiền ký quĩ.

Theo tính toán của một số nhà đầu tư, cho dù tỉnh Quảng Nam có triển khai "luật chơi" mới (như việc ký quĩ chẳng hạn) thì vẫn không hạn chế được tình trạng bán dự án. Bởi số tiền ký quĩ quá thấp so với những khu đất "vàng" đã được nhận. Đó là chưa kể đến việc triển khai thực hiện dự án, nhà đầu tư được ưu tiên trả tiền đất một lần với giá cực rẻ. Chính vì vậy, rất nhiều dự án đầu tư đổ về Quảng Nam trong những năm qua, nhưng số dự án triển khai thực hiện rất thấp so với dự án đã đăng ký và cấp phép.



Việc duy nhất mà nhiều dự án ven biển
Điện Bàn - Hội An thực hiện là...san ủi tạm.

Qua phiên đấu giá thành công lô đất "vàng" tại khu vực ven biển Hội An trên diện tích 3,3 ha đã có giá 92 tỷ đồng, thì rõ ràng với hàng trăm ha đất "vàng" dọc ven biển Hội An đã được đem cho không các nhà đầu tư xây dựng hàng loạt khu khách sạn, khu nghĩ dưỡng cao cấp. Không biết Quảng Nam đã thu lại được những gì từ những dự án trên? Cái gọi là nộp ngân sách hàng năm thì rất thấp do đa phần các dự án đang trong thời gian hưởng cơ chế ưu đãi.

Còn nói chuyện giải quyết công ăn việc làm, thì với các dự án đã triển khai giải quyết được bao nhiêu lao động tại địa phương. Chắc chắn con số rất thấp, số lao động được giải quyết chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi người nông dân không có chuyên môn nghiệp vụ làm sao vào làm việc tại các khu du lịch, khách sạn sang trọng này.

Trong khi đó, hàng nghìn hộ nông dân mất đất sản xuất phải rời bỏ ruộng vườn, nghề biển...để nhường đất cho các dự án đến nay vẫn chưa có công ăn việc làm.

Đây là lần đầu tiên thị xã Hội An tổ chức bán đấu giá khu đất "vàng" dọc ven biển để thu tiền một lần thay bằng cho thuê đất như trước đây để rút kinh nghiệm cho thuê đất hay là bán đất thu tiền một lần qua đấu giá. Rõ ràng việc đấu giá các lô đất vàng mang lại nguồn thu lớn hơn là cho thuê. Tuy nhiên chẳng có quan chức có trách nhiệm nào chấp nhận việc bán đấu giá cả. Theo họ lập luận cho thuê lợi hơn!

Chưa biết ai sẽ được lợi, chỉ biết Nhà nước thất thu rất lớn từ khai thác quĩ đất này.

Theo Vietnamnet