Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, đến ngày 7/10, cầu chính dây văng dài 1.090m thuộc cầu Cần Thơ đã hoàn thành.
Cầu Cần Thơ nối liền 2 bờ sông Hậu giữa Vĩnh Long và Cần Thơ. Ảnh: Thanh Vũ. |
Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, đến ngày 7/10, cầu chính dây văng dài 1.090m thuộc cầu Cần Thơ đã hoàn thành.
Đơn vị thi công (liên danh TKN-Nhật Bản) đang tiếp tục thực hiện các công đoạn cuối cùng như thảm nhựa mặt cầu, lắp đặt hệ thống lan can, dải phân cách, đèn chiếu sáng…đã hoàn thành cây cầu có tổng chiều dài 2.750m.
Hiện đường dẫn phía tỉnh Vĩnh Long dài 5,41km đã cơ bản hoàn thành; còn đường dẫn phía Cần Thơ dài 7,69km đã hoàn thành 80% khối lượng.
Do sự cố sập nhịp dẫn tại vị trí các trụ từ T13 đến T15 hồi tháng 9/2007 nên công trình bị gián đoạn 9 tháng và dự kiến toàn bộ công trình sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối quý I năm 2010.
Cầu Cần Thơ được xây dựng cách bến phà Hậu Giang 3,2km về phía hạ lưu. Đây là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam, rộng 23,1m gồm 4 làn xe ôtô, hai lề bộ hành (mỗi lề rộng 2,75m), còn lại là các dải phân cách và kiến trúc an toàn. Độ tĩnh không thông thuyền 39m.
Nhịp giữa hai trụ tháp chính rộng 550m, bảo đảm cho tàu có trọng tải lớn ra qua lại thuận tiện. Mặt cầu có kết cấu hỗn hợp dầm thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, móng cọc bằng bê tông cốt thép.
Cầu nối với quốc lộ 1A tại km 2061 thuộc địa phận huyện Bình Minh và tại km 2077 (phía Cần Thơ). Tại các giao lộ hai bên đầu cầu được xây dựng các nút giao phù hợp với sự phát triển giao thông lâu dài, đảm bảo cho xe lưu thông với vận tốc 80 km/giờ.
Theo ước tính của các chuyên gia, một chuyến vượt sông Hậu qua cầu Cần Thơ sẽ tiết kiệm chi phí vận hành 20.400 đồng mỗi xe ôtô, giảm mất mát giá trị hàng hóa mỗi xe ôtô 12.394 đồng, rút ngắn thời gian so với đi phà là 32 phút.
Hiện nay, mỗi ngày bình quân có khoảng 5.000 lượt ôtô, 10.000 lượt môtô, hơn 20.000 hành khách qua phà. Nếu tính lượng khách và phương tiện qua phà tăng trung bình 15%/năm thì đến thời điểm cầu hoàn thành, mỗi ngày tiết kiệm hàng trăm triệu đồng.
Hơn nữa, việc vượt sông nhanh hơn còn giúp cho hàng hóa, chủ yếu là nông sản, thực phẩm của vùng đồng bằng sông Cửu Long không bị giảm sút chất lượng, sẽ tiêu thụ được với giá trị cao hơn, đầu ra dễ dàng hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN