Không chỉ biến đất công thành đất tư, theo tìm hiểu của phóng viên, UBND huyện Cần Giờ còn cấp sổ đỏ “theo yêu cầu” hàng chục hécta… rừng tự nhiên...
Không chỉ biến đất công thành đất tư, theo tìm hiểu của phóng viên, UBND huyện Cần Giờ còn cấp sổ đỏ “theo yêu cầu” hàng chục hécta… rừng tự nhiên và đền bù thiệt hại đất công cho cả… tư nhân!
Cấp “sổ đỏ” rừng tự nhiên theo... yêu cầu
Theo tài liệu kê khai đăng ký theo Chỉ thị 299/TTg năm 1985 tại địa phương thì diện tích “đất công” ở khu vực mà Công ty Phước Lộc được giao đất để đầu tư dự án khu du lịch nhà vườn chiếm đến 99,42% (539.114m2, do UBND xã Long Hòa đăng ký). Chỉ có 0,57% diện tích (3.132m2) là do 3 hộ dân đăng ký sử dụng, gồm các ông Nguyễn Văn Khừ, Võ Văn Chánh và bà Trần Thị Phát. Đến năm 1992, tài liệu kê khai đăng ký theo Chỉ thị 02/CT-UB của UBND TPHCM cho thấy, số hộ dân đăng ký ở thời điểm này mặc dù tăng từ 3 lên 6 nhưng diện tích đăng ký lại giảm xuống còn 1.386,6m2 (0,25%), phần còn lại cũng do UBND xã Long Hòa đăng ký (537.101,4m2, chiếm 99,05%) cùng với 3.758m2 đất rạch (chiếm 0,69%).
Các tài liệu mà phóng viên cập nhật được cho thấy, sau thời điểm đăng ký theo Chỉ thị 02/CT-UB năm 1992 đến thời điểm trước khi có dự án nhà vườn của Công ty Phước Lộc, tại khu vực này có 5 hộ dân được UBND huyện Cần Giờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tổng cộng 69.535m2 (cấp trong thời điểm từ tháng 6-1998 đến tháng 8-2002).
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sau đó, khi dự án được lập kế hoạch (cuối năm 2002) đến lúc có Quyết định thu hồi đất của UBND TP (tháng 5-2005), UBND huyện Cần Giờ vẫn ký duyệt, cấp đổi thêm 6 giấy chứng nhận cho 3 hộ với tổng diện tích 152.984m2. Điều khó hiểu là trong số các trường hợp trên, UBND huyện Cần Giờ cấp “sổ đỏ” cả đất… rừng tự nhiên và đất mặt nước do nhà nước trực tiếp quản lý cho 3 hộ dân với tổng cộng 194.519m2. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Chính được cấp 3 “sổ đỏ” với tổng diện tích 129.020m2, trong đó có đến 128.302m2 đất rừng tự nhiên; “sổ đỏ” của ông Nguyễn Văn Khừ là 45.263m2 đất rừng tự nhiên và “sổ đỏ” của ông Nguyễn Văn Rớt là 20.954m2 đất ao.
Càng đáng ngạc nhiên hơn là sau khi UBND TP có quyết định giao đất cho Công ty Phước Lộc, ngày 16-3-2006 Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Đoàn Văn Thu còn tiếp tục… bạo tay ký quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 1.966m2 đất trong phạm vi dự án cho ông Nguyễn Văn Đực “theo yêu cầu” trong đơn đề ngày 10-1-2006.
Không liên quan cũng được... đền bù!
Theo nội dung các phương án được duyệt của UBND huyện Cần Giờ thì chủ đầu tư (Công ty TNHH Phước Lộc) chịu trách nhiệm về kinh phí bồi thường. Công tác bồi thường do Hội đồng bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng huyện Cần Giờ thực hiện (ông Đoàn Văn Thu – Phó chủ tịch UBND huyện làm chủ tịch hội đồng).
Căn cứ hồ sơ và danh sách thống kê số liệu về bồi thường dự án, trong tổng diện tích đất TP thu hồi và giao cho công ty (542.246m2) thì có 443.066m2 được công ty bồi thường về đất với số tiền đền bù xấp xỉ 23 tỷ đồng (trừ 99.179,5m2 “đất công” theo như báo cáo sau cùng của UBND huyện Cần Giờ mà công ty bồi thường bằng nền đất). Tuy nhiên, theo các biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng ký ngày 1-3-2006 và 26-12-2006 giữa Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Cần Giờ và Công ty Phước Lộc thì doanh nghiệp đã chi gần 36,2 tỷ đồng cho các hộ dân để thu hồi đến 465.397m2 đất (vượt diện tích được giao 22.331m2).
Trong số này, có 175.849m2 đất đã có “sổ đỏ” được công ty bồi thường thực tế cho 5 hộ là hơn 6,9 tỷ đồng (chưa tính giá trị phần đất công ty tự hoán đổi với các hộ này). Thế nhưng, điều lạ lùng là phần đất có diện tích 267.217m2 (nằm trong phần do UBND xã Long Hòa đăng ký sử dụng theo Chỉ thị 299/TTg) mặc dù không có giấy chứng nhận quyền sử dụng, không có hộ dân nào đứng tên đăng ký, vẫn được chủ đầu tư “bồi thường” cho… 18 hộ với số tiền gần 16,1 tỷ đồng! Riêng phần diện tích chênh lệch vượt được công ty “bồi thường” cho 3 hộ dân khác với số tiền (tăng so với dự toán) hơn 10,3 tỷ đồng.
Không những vậy, tài liệu mà phóng viên có được còn cho thấy Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Cần Giờ còn móc nối với người dân để nâng khống diện tích, khối lượng bồi thố gò, đê rồi đề xuất bồi thường với tổng số tiền chi sai lên đến gần 6,5 tỷ đồng. Điều đáng nói là mặc dù phương án giá về đền bù, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư cho dự án đã được Sở Tài chính phê duyệt ngày 10-1-2003, nhưng ngày 20-10-2004 UBND huyện Cần Giờ vẫn tự ra quyết định bồi thường theo phương án giá riêng.
Trong khi đó, theo tìm hiểu, trong tổng số 26 hộ dân mà Công ty Phước Lộc thể hiện trên hồ sơ thanh quyết toán là đã bồi thường gần 36,2 tỷ đồng, trên thực tế chỉ có 21 hộ được chi trả tiền đền bù với số tiền gần 28,9 tỷ đồng. 5 hộ còn lại (Dương Thành Hưng, Dương Ngọc Dung, Ngô Thị Thanh Nga, Nguyễn Thị Kim Oanh và Nguyễn Văn Rớt), đã được công ty tự thỏa thuận hoán đổi 12 lô đất ở (xấp xỉ 6.000m2) để thu hồi 66.217m2 đất nông nghiệp. Mặc dù vậy, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Cần Giờ (dù không thực hiện giải phóng mặt bằng), vẫn được Công ty Phước Lộc chi thêm 2% phí phục vụ công tác bồi thường với số tiền 132,5 triệu đồng.
Theo Sài Gòn Giải Phóng