Quỹ Hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố (gọi tắt là Quỹ 156) hiện còn tồn gần 129 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều người dân vẫn chưa có nguồn vốn để tạo lập việc làm sau khi di dời, giải tỏa khiến cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Giảm thu nhập khi về nơi ở mới
Chiếc xe đẩy cùng vài chiếc bàn nhỏ nép mình trong một góc ở chung cư tái định cư (TĐC) Tân Mỹ, quận 7 là nơi mà chị Loan (49 tuổi) và chị Thường (59 tuổi) cùng chia sẻ để mưu sinh: Buổi sáng chị Thường bán hủ tiếu, buổi chiều đến lượt chị Loan bán bún riêu và canh bún. Hai gia đình này được di dời trong dự án chỉnh trang rạch Ụ Cây (quận 8) về ở tại đây.
Ảnh minh họa
|
Theo chị Loan, từ khi dọn về nơi ở mới điều kiện ăn ở tốt hơn nơi ở cũ nhưng việc làm lại khó khăn hơn, thu nhập giảm sút. Trước kia chị Loan bán hàng ăn ở chợ Xóm Củi (quận 8), thu nhập ổn định khoảng 200.000 đồng/ngày. Khi di dời về chung cư Tân Mỹ, chị không biết đến Quỹ 156 mà chỉ được hướng dẫn vay từ Quỹ trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm của TP Hồ Chí Minh (Quỹ CEP) số tiền 20 triệu đồng với lãi suất thấp, được trả góp hằng tuần trong vòng 40 tuần để sắm sửa dụng cụ mua bán. Ban đầu, chị bán ở trước sân chung cư nhưng vì ảnh hưởng đến trật tự đô thị nên chính quyền địa phương yêu cầu dời đi, thế là phải đi thuê mặt bằng để bán. Tuy nhiên, do vốn ít, chi phí mặt bằng đắt đỏ nên hai chị phải về lại chung cư, "chia" nhau một góc nhỏ để bán hàng, vừa bán vừa lo không biết khi nào bị dẹp…
Bà Mai, mưu sinh bằng tiệm bán nước giải khát ở chung cư này cho biết, nhà bà có tất cả 5 người. Khi về chung cư Tân Mỹ, chồng bà vẫn tiếp tục chạy xe ôm như trước, hai người con trai trước kia làm bốc xếp ở chợ Bình Điền, sau khi về nơi ở mới không thể tiếp tục việc cũ vì quá xa nên giờ đi phụ hồ, ngày có việc ngày không. Bà Mai trước kia chỉ ở nhà nội trợ, nay kinh tế khó khăn nên phải mở tiệm giải khát để có thêm thu nhập. Bà Mai cho biết cũng được Quỹ CEP cho vay vốn 20 triệu đồng, tuy nhiên, các con bà không biết đến Quỹ 156 và mục đích hỗ trợ đào tạo nghề của quỹ này.
Không chỉ ở chung cư Tân Mỹ, nhiều người dân ở các dự án TĐC khác như chung cư TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), chung cư An Sương (quận 12) cũng cho biết chưa vay được vốn từ Quỹ 156 hoặc được vay rất ít, không đủ nhu cầu tạo lập việc làm hoặc học nghề. Chính vì vậy, nhiều người phải quay về nơi ở cũ mưu sinh, thậm chí là quay về thuê nhà gần nơi ở cũ. Theo như lời bà Mai, dù điều kiện sống tốt hơn nhưng có khá nhiều người dân TĐC ở chung cư Tân Mỹ đã bán hoặc cho thuê căn hộ để đi thuê nhà ở chỗ khác vì mưu sinh.
Quỹ cũng gặp khó
Quỹ 156 là nguồn vốn hình thành theo Quyết định 156 của UBND TP Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, được hình thành từ tháng 4-2007. Theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh (LĐTB&XH) tổng nguồn vốn của quỹ từ khi đi vào hoạt động (tháng 4-2007) đến nay là 303,087 tỷ đồng, Quỹ 156 đã phê duyệt cho 4.007 dự án vay vốn, hỗ trợ việc làm cho 47.050 lao động với số vốn quay vòng là 367.051 tỷ đồng, quỹ đã ủy thác vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP Hồ Chí Minh giải ngân 352,395 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn đến thời điểm hiện tại là 5,6% với số tiền 7,899 tỷ đồng. Hiện nguồn vốn của quỹ là 269,028 tỷ đồng, trong đó dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 140,104 tỷ đồng và tồn quỹ là 128,924 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Xê, hiện công tác cho vay vốn cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó có nợ quá hạn, không trả nợ của một số hộ dân do sản xuất kinh doanh khó khăn, một số hộ sau khi vay vốn bỏ đi nơi khác và có cả những hộ chây ỳ không trả nợ… Theo ông Xê, đối tượng hộ dân thuộc Quỹ 156 lớn nhưng một số họ thường xuyên di chuyển chỗ ở, hoặc không xác định được chỗ ở sau di dời, không để lại thông tin liên lạc, vì vậy địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác theo dõi, quản lý và thực hiện các chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, một số phường, xã còn nhiều sai sót thông tin khi lập hồ sơ vay vốn cũng như lưu giữ hồ sơ vay vốn của hộ dân quá lâu; một số nhân viên mới tiếp nhận công tác không nắm rõ chính sách, chế độ nên hướng dẫn chưa phù hợp làm ảnh hưởng đến lợi ích người dân. Để khắc phục việc này, ông Xê cho biết trong thời gian tới quỹ sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá nhu cầu về vay vốn giải quyết việc làm của người dân bị thu hồi đất, cố gắng tốt nhất trong tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân sau di dời.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới