Hỗ trợ người mua hay người bán?

Cập nhật 21/04/2009 11:35

Ước vọng có một nơi an cư của hàng triệu người thu nhập trung bình và thấp ở các khu đô thị đang dần trở thành hiện thực. Các dự án xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm...

Ước vọng có một nơi an cư của hàng triệu người thu nhập trung bình và thấp ở các khu đô thị đang dần trở thành hiện thực. Các dự án xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm và triển khai với sự hỗ trợ kích cầu của Nhà nước. Chỉ sau vài ba năm nữa thôi, thị trường bất động sản ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác sẽ xuất hiện một dòng hàng hoá mới với những cơ chế mua bán đặc thù.

Khởi động một chương trình lớn của Nhà nước không hề dễ dàng và bao giờ cũng phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Dòng tiền kích cầu của Chính phủ cần được sử dụng sao cho có hiệu quả tối đa, mang lại lợi ích tổng thể, không chỉ về mặt kinh tế mà cho cả những mục tiêu ổn định chính trị và an sinh xã hội.

Vậy dòng tiền hỗ trợ quý báu kia nên chảy theo con đường nào, bắt đầu từ người bán hay từ người mua? Có ý kiến cho rằng cả hai cách đều có những mặt mạnh yếu khác nhau.

Cách thứ nhất, hỗ trợ cho các nhà đầu tư để tạo ra dòng hàng hoá hấp dẫn, phù hợp với khả năng thanh toán của các đối tượng quan tâm. Cách làm này có ưu điểm là tập trung được sức mạnh vào “những quả đấm thép”, sản phẩm được ra đời nhanh, đáp ứng tức thời nhu cầu của hàng trăm ngàn hộ dân có thu nhập thấp và trung bình hiện đang thiếu nhà ở. Tuy nhiên, cách làm này có thể tạo ra một thị trường “hậu bao cấp”, nảy sinh ra cơ chế xin-cho, chạy vạy, lo lót, biếu xén…

Cách thứ hai, thay vì đầu tư cho doanh nghiệp thì Nhà nước đầu tư trực tiếp cho người mua. Với những tiêu chí minh bạch, cụ thể, người mua sẽ được hỗ trợ lãi suất và chịu những sự ràng buộc nhất định khi chưa trả hết tiền vay. Còn khi đã trả hết thì mọi sự ràng buộc mặc nhiên được dỡ bỏ và căn hộ đó từ một dạng hàng hoá đặc biệt trở thành loại hàng hoá thông thường. Với cách làm này, các nhà đầu tư sẽ phải tự cân nhắc chiến lược kinh doanh để đáp ứng cho một thị trường mới vừa được kích cầu này. Thị trường sẽ lành mạnh hơn và tránh được cơ chế xin-cho…

Kinh nghiệm của Cty CP Đầu tư và Xây dựng số 2 (Hacinco), là một trong những người đi tiên phong trong việc xây dựng NƠXH, cho thấy Làng sinh viên của Hacinco, đầu tư ngót 300 tỷ đồng với 3.000 chỗ ở cho sinh viên thuê với giá 150.000đ/tháng thì doanh nghiệp rất khó thu hồi được vốn. Hacinco cũng đã tham gia xây nhà ở cho những người có thu nhập thấp ở khu vực Cầu Diễn (cách trung tâm Hà Nội chừng 9km) nhưng rất khó khăn trong việc “xin” cấp trên duyệt tiêu chí lựa chọn khách hàng.

Thiết nghĩ, cơ chế nào cũng có mặt trái của nó. Vấn đề quan trọng là ứng dụng nó vào hoàn cảnh cụ thể nào để có hiệu quả cao nhất mà thôi.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng