Hết thời tùy tiện thu hồi đất

Cập nhật 04/07/2014 08:26

“Nếu dự án không có tên trong danh mục những dự án thu hồi đất tại kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp quận/huyện thì không được thực hiện” - ông Bùi Ngọc Tuân, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất - Bộ TN&MT, lưu ý tại hội nghị phổ biến tuyên truyền Luật Đất đai 2013, ngày 3-7.

Đất thương mại, dịch vụ được “nâng tầm” tại Luật Đất đai 2013.

“Nếu dự án không có tên trong danh mục những dự án thu hồi đất tại kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp quận/huyện thì không được thực hiện” - ông Bùi Ngọc Tuân, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất - Bộ TN&MT, lưu ý tại hội nghị phổ biến tuyên truyền Luật Đất đai 2013, ngày 3-7.

Thêm loại đất “thương mại, dịch vụ”

Ông Tuân cho hay kế hoạch sử dụng đất do UBND quận/huyện lập hằng năm là căn cứ để thu hồi đất. Kế hoạch này phải liệt kê một danh mục những dự án cần thu hồi đất trong năm. Đặc biệt, kế hoạch sử dụng đất hằng năm phải thông qua HĐND cấp huyện, trình UBND tỉnh, TP rà soát và được HĐND cấp tỉnh thông qua.

“Kế hoạch này phải được HĐND cấp tỉnh thông qua chứ không phải xin ý kiến. Xin ý kiến là chỉ hỏi cho biết, quyết định ra sao vẫn thuộc về UBND, còn thông qua là phải được sự đồng ý bằng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh” - ông Tuân giải thích.


Theo luật đất đai 2013, những loại đất “thương mại, dịch vụ” ở các TP lớn được tách ra thành một loại đất riêng kèm theo những chế định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho loại đất này. Ảnh: HTD

Theo ông Tuân, điểm đáng chú ý là Luật Đất đai 2013 khi phân loại các loại đất đã xuất hiện thêm loại đất “thương mại, dịch vụ”. Trước đây Luật Đất đai 2003 cũng có loại đất này nhưng nằm lẩn khuất trong nhóm đất sản xuất kinh doanh.

“Nhận thấy đây là loại đất có giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng (các TP lớn như TP.HCM và Hà Nội còn phải gọi là khu đất vàng) nên Luật Đất đai 2013 tách ra thành một loại đất riêng. Kèm theo đó là những chế định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho loại đất này” - ông Tuân giải thích.

Thu hẹp diện giao đất có thu tiền sử dụng đất

Trong giao đất, cho thuê đất, Luật Đất đai 2013 thu hẹp trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất và xóa nhòa ranh giới phân biệt giữa người trong nước và nước ngoài trong giao đất. Theo đó, chỉ còn hai loại đất và ba đối tượng được giao đất có thu tiền sử dụng đất như sau: Thứ nhất là hộ gia đình cá nhân được giao đất ở, tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê. Thứ hai là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở. Trường hợp thứ ba là tổ chức kinh tế được giao đất thực hiện đầu tư dự án hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

“Thị trường đất ở cho người sống đóng băng nhưng thị trường đất ở cho người đã mất lại sôi động, giá còn cao hơn nhà ở, đất ở. Có nơi giá đất nghĩa trang lên tới 25 triệu đồng/m2 trong khi đất ở chỉ có 20 triệu đồng/m2” - ông Tuân nói. Theo ông Tuân, đây là nhu cầu có thật nhưng luật trước đây chưa cho phép nên nhà đầu tư lách bằng hình thức làm dự án công viên. Nay Luật Đất đai 2013 đã quy định rõ về điều kiện cho trường hợp này.

Nhà nước phải tạo quỹ đất

Về thu hồi đất, Luật Đất đai 2013 xác định theo hướng Nhà nước phải chủ động thu hồi đất để tạo quỹ đất, khác với trước đây chủ yếu là chủ đầu tư tạm ứng tiền để chi trả tiền bồi thường (đa số địa phương đều áp dụng). “Do chủ đầu tư tạm ứng nên sau đó Nhà nước phải giao đất cho họ mà không thể đấu giá” - ông Tuân cho hay.

Luật Đất đai 2013 quy định rất chặt chẽ về thu hồi đất với dự án phát triển kinh tế-xã hội. Cụ thể, chỉ có ba trường hợp sau được thu hồi đất: Dự án quan trọng cấp quốc gia do Quốc hội chấp thuận chủ trương, dự án do Thủ tướng chấp thuận đầu tư, dự án do HĐND cấp tỉnh chấp thuận thu hồi đất.

Về chính sách bồi thường, Luật Đất đai 2013 có cơ chế cụ thể cho từng loại đất (nông nghiệp, đất ở, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở) thay vì quy định chung cho tất cả như Luật Đất đai cũ. “Với đất nông nghiệp, hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp từ trước 1-7-2004 mà chưa có giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện cấp giấy cũng được bồi thường với diện tích đất thực tế đang sử dụng (nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp)” - ông Tuân thông tin.

Về tái định cư, Luật Đất đai 2013 không phân biệt đối tượng hộ gia đình cá nhân trong nước hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo đó, hộ gia đình cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng được nhận đất ở, nhà ở tái định cư khi đủ điều kiện theo quy định. Nếu tự lo chỗ ở, họ được nhận tiền hỗ trợ tái định cư.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật TP