Ăn theo trục đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam, đất ven đường và đất thổ cư thuộc các huyện Quốc Oai, Thạch Thất (Hà Nội) từng lên cơn sốt cao với giao dịch sôi động. Đến nay, tuy đã đi vào thoái trào nhưng giá vẫn giữ ở mức cao.
Đất tái định cư tại Vai Réo đang được rao bán từ 1,3-2 tỉ đồng/lô 120m2 - Ảnh: Hồng Minh |
Ăn theo trục đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam, đất ven đường và đất thổ cư thuộc các huyện Quốc Oai, Thạch Thất (Hà Nội) từng lên cơn sốt cao với giao dịch sôi động. Đến nay, tuy đã đi vào thoái trào nhưng giá vẫn giữ ở mức cao.
Liên tục tăng cao
Khi trục đường Láng - Hòa Lạc rục rịch mở rộng đã chứng kiến cảnh tăng giá như vũ bão của đất nơi đây. Chị Tám, nhà ở Vai Réo (thôn 7, Phú Cát), một nông dân kiêm nghề buôn bất động sản chia sẻ: “Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, đất ở khu vực này đã tăng gấp 10-15 lần so với ban đầu.
Năm 1999, giá đất ở đây rất “bèo”, chỉ có 3-5 triệu/mét mặt đường (mét ngang). Đầu năm 2000, giá đất tăng lên 10-12 triệu đồng/mét mặt đường. Sau đó, đầu 2001 giá lên 20-25 triệu đồng/mét mặt đường. Đỉnh điểm của đợt sốt giá là vào năm 2002 khi dự án Láng-Hòa Lạc có thông tin sẽ khởi công, giá lên tới 55 triệu đồng/mét mặt đường”.
Tháng 11.2009 vừa qua, UBND H.Quốc Oai đã tiến hành đấu giá khu đất tái định cư tại Vai Réo (quy mô: 3.608m2, chia thành từng lô diện tích 120m2/lô) với giá khởi điểm là 3 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, năm 2008, khu đất này đã từng được mang ra đấu giá với giá khởi điểm là 4 triệu đồng/m2 nhưng hầu hết người tham gia đều bỏ cọc vì thấy quá đắt.
Ở đợt đấu giá lần hai này, UBND H.Quốc Oai đã thắng lớn khi các nhà đầu tư chen nhau đấu giá với giá trúng thầu thấp nhất là 6,6 triệu đồng/m2, cao nhất là 9,6 triệu đồng/m2. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư rao bán đất khu này từ 8-10 triệu đồng/m2.
Đất gần các khu đô thị như Dương Nội, An Khánh, Quốc Oai, Thạch Thất… có giá khoảng 3-4 triệu/m2. Những khu đất này thường cách đường Láng-Hòa Lạc từ 5-7km, là đất thổ cư của các hộ dân ở sâu trong làng.
Hiện tại, đất khu vực này còn khá ít. “Mua một biệt thự trong dự án cũng mất từ 2-3 tỉ đồng mà phải đóng tiền mấy năm mới có nhà. Trong khi chỉ khoảng hơn 1 tỉ là có ngay đất thổ cư, tha hồ thiết kế theo ý của mình mà vẫn được hưởng xái tiện ích của khu đô thì tội gì không mua”, anh Nguyễn Hoàng Nam, một nhà đầu tư bất động sản mách nước.
Giá cao, giao dịch ít
Đến nay, tuy không còn lên cơn sốt cao như thời điểm trước đây, nhưng đất ở khu vực Láng-Hòa Lạc vẫn giữ ở mức cao với giá trung bình từ 5-10 triệu đồng/m2. Chúng tôi có mặt tại khu vực ngã tư đường Láng-Hòa Lạc giao với đường Cu Ba vào trưa một ngày cuối tuần.
Nếu như cách đây khoảng 3 năm, khu vực này vô cùng nhộn nhịp với hàng loạt các trung tâm môi giới nhà đất và cả chục “cò đất” mời chào thì đến nay, giao dịch mua bán nhà đất xung quanh khu vực Hòa Lạc (gần các dự án khu công nghệ cao, trường đại học FPT, Trường đại học Quốc gia Hà Nội...) diễn ra khá trầm lắng.
Nguyên nhân sự vắng vẻ này được chị Tám giải thích là do hầu hết những vị trí đẹp ở đây đều có chủ, còn những lô đất khác thì ở chỗ sâu hơn, giao thông không thuận tiện. Hơn thế, sự chậm trễ của hàng loạt dự án cũng làm nhiều nhà đầu tư không mấy hào hứng vì sợ bị giam vốn.
“Năm 2008, nhiều nhà đầu tư dính vào vụ mua đất nằm trong quy hoạch mở đường, nên bây giờ khách hàng và nhà đầu tư đều tỏ ra thận trọng, họ dò hỏi rất kỹ về quy hoạch, thủ tục pháp lý, giấy tờ của lô đất... Vậy nên nhiều trung tâm môi giới đóng cửa, chỉ có vài trung tâm trụ lại do có mối làm ăn riêng”, anh Bùi Văn Thuận, một môi giới bất động sản tại xóm 7 (Vai Réo, Phù Cát), phân trần.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên