Hết đông thì sẽ … rã đông

Cập nhật 26/03/2014 10:15

Những thể chế minh bạch, hiệu quả, những giải pháp quyết liệt và đồng bộ, nhằm giải cứu thị trường bất động sản trong thời gian qua, trên thực tế đã và đang dần phát huy tác dụng. Những cách làm sáng tạo và quyết tâm, những con số biết nói, đã và đang nói lên rằng chỉ trong một tương lai gần, thị trường bất động sản sẽ … rã đông. Và một trong những lĩnh vực trọng yếu, một thị trường nhạy cảm, một trong những thước đo giá trị thặng dư nền kinh tế sẽ phát huy đắc dụng những giá trị nội tại của chính nó. Có lẽ bắt đầu từ mùa hè năm nay!

Những thể chế minh bạch, hiệu quả, những giải pháp quyết liệt và đồng bộ, nhằm giải cứu thị trường bất động sản trong thời gian qua, trên thực tế đã và đang dần phát huy tác dụng. Những cách làm sáng tạo và quyết tâm, những con số biết nói, đã và đang nói lên rằng chỉ trong một tương lai gần, thị trường bất động sản sẽ … rã đông. Và một trong những lĩnh vực trọng yếu, một thị trường nhạy cảm, một trong những thước đo giá trị thặng dư nền kinh tế sẽ phát huy đắc dụng những giá trị nội tại của chính nó. Có lẽ bắt đầu từ mùa hè năm nay!


Hôm qua, 25 – 3 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) cùng Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh) đã chính thức công bố gói tín dụng 50.000 tỷ đồng thông qua chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà (ngân hàng, nhà sản xuất vật liệu xây dựng, nhà thầu và chủ đầu tư) để kỳ vọng "bơm” thêm vào thị trường này những nguồn tài chính mới ưu đãi hơn, hữu dụng hơn. Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng dành cho xây dựng, vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất và mua, sửa chữa nhà ở trả chậm. Mục tiêu của gói tín dụng nhằm khơi thông hàng hóa vật liệu xây dựng thông qua các hình thức trả chậm và đối trừ, giảm tiền mặt lưu thông góp phần giảm lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay cũ. Như vậy, riêng lĩnh vực tài chính, đã có tới hai gói tín dụng ưu đãi nhắm tới thị trường này (gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ cũng đã được dần khơi thông những bế tắc và đang gia tăng hiệu quả giải ngân từng ngày).

Bộ Xây dựng cho hay, trong quý I/2014, thị trường bất động sản đã có những chuyển động tích cực, chứng tỏ các giải pháp, chính sách của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này đã "trúng” và đi vào cuộc sống. Cùng đó, Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi đang được trình Quốc hội xem xét cũng có nhiều điểm đổi mới góp phần đưa thị trường bất động sản phát triển theo quy hoạch và kế hoạch; giúp hoạt động đầu tư xây dựng hiệu quả hơn. Cụ thể, giá trị tồn kho bất động sản trên toàn quốc đã giảm từ mức 125.450 tỷ đồng (tháng 3-2013) xuống còn 92.690 tỷ đồng (15-2-2014), giảm khoảng 26%. Tính đến nay, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 92.690 tỷ đồng, giảm 1.768 tỷ đồng (1,8%) so với số liệu thống kê tính đến ngày 31-12-2013. Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư còn 19.210 căn, tương đương 28.582 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng là 13.516 căn, tương đương 24.029 tỷ đồng; tồn kho đất nền nhà ở hơn 9,1 triệu m2, tương đương 33.880 tỷ đồng; tồn kho đất nền thương mại là 2 triệu m2, tương đương 6.198 tỷ đồng. Đương nhiên, con số tích cực này thể hiện rõ nhất ở hai địa phương đứng đầu cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trước đây ít ngày cũng đã vui mừng phát ngôn với báo giới rằng, trong những tháng gần đây, thị trường bất động sản đã có những chuyển động rất tích cực như giao dịch tăng, đặc biệt là với phân khúc nhà ở có quy mô trung bình và quy mô nhỏ, giá thấp. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn do chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung của nền kinh tế.

Vài năm qua, giá bất động sản giảm mạnh, thậm chí có lúc có nơi chủ đầu tư còn phải "bán tháo”. Điều đó không khó để nhận diện nguyên nhân. Ở thời điểm thị trường đang nóng, giá bất động sản là giá ảo, không phải giá thực cho nên đến thời kỳ này bắt buộc phải giảm giá. Khi ấy, sản phẩm bất động sản mới được đưa về giá trị thực của nó. Vì vậy, cùng với việc giảm giá để tăng giao dịch, các chủ đầu tư còn phải tiết giảm những chi phí không cần thiết; đặc biệt là những vật liệu cao cấp đã được thay bằng những vật liệu sản xuất trong nước. Các dịch vụ phục vụ cho khu chung cư cũng được giảm bớt so với yêu cầu đầu tư ban đầu như giảm số tầng hầm... Bởi vậy, chắc chắn sản phẩm bất động sản trong thời gian tới sẽ được thanh khoản tốt hơn do mức giá ngày càng phù hợp hơn với khả năng mua của người dân. Kỳ vọng về sự phục hồi của thị trường bất động sản là hoàn toàn có cơ sở.

Tuy nhiên, để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, làm lành mạnh hóa thị trường và "vực dậy” bằng được thị trường bất động sản, cũng cần lưu ý và thực hiện tốt mấy nội dung mà Chính phủ đã đề ra hồi cuối năm 2013. Trước hết, Chính phủ cho rằng, khó khăn chung của thị trường bất động sản hiện nay một phần xuất phát từ việc quản lý yếu kém, thiếu quy hoạch, kế hoạch phù hợp nên thị trường nhà ở đã phát triển quá nóng, cơ cấu không hợp lý và tình trạng đầu cơ làm dư thừa nguồn cung, nhất là loại nhà ở cao cấp, vượt quá khả năng của phần lớn người có nhu cầu mua nhà để ở. Theo đó, để từng bước tháo gỡ khó khăn, thời gian tới định hướng đặt ra là mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết với chủ dự án để cung cấp tín dụng dài hạn cho người có nhu cầu mua nhà để ở. Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố tìm nguồn vốn phù hợp để mua lại các khu nhà làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên...Đồng thời tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về thị trường bất động sản. Rà soát lại quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở phù hợp với điều kiện và chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược về nhà ở đã ban hành, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội…

Làm tốt những điều đó, đương nhiên thị trường bất động sản sẽ "qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”!


DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết