Hãy quan tâm bảo vệ trẻ em từ khi thiết kế công trình

Cập nhật 27/12/2007 11:00

Trẻ em đang đứng trước nhiều nguy cơ hiểm họa khi quá trình xây dựng không được thực hiện đúng các tiêu chuẩn quy định...

Trẻ em đang đứng trước nhiều nguy cơ hiểm họa khi quá trình xây dựng không được thực hiện đúng các tiêu chuẩn quy định. Dưới đây là những dẫn chứng về hiểm họa đó.

Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 323:2004 quy định nhà ở từ tầng 6 trở lên không được thiết kế ban công, chỉ được thiết kế lô gia; lan can lô gia không được hở chân và có chiều cao không nhỏ hơn 1,2m.

Nhưng theo kiến trúc sư (KTS) Trần Thanh ý - Viện Nghiên cứu kiến trúc - Bộ Xây dựng, thực tế vẫn gặp nhiều chung cư cao tầng thiết kế ban công (xin nói rõ ban công là phần sàn có lối ra, nhô ra khỏi mặt tường ngoài của ngôi nhà) khiến ngay cả người lớn cũng cảm thấy choáng ngợp khi bước ra. Đã vậy, nhiều gia đình lại bố trí chậu hoa, bể cảnh, dễ kích thích trẻ tò mò leo trèo.

Còn đối với lan can lô gia, nhiều nơi không bảo đảm độ cao tối thiểu 1,2m. Nguy hiểm hơn, hệ lan can được thiết kế phía dưới là tường kín, phía trên gắn thanh sắt ngang, mỗi thanh cách nhau 10cm, trẻ dễ đu bám, trèo lên.

Trong nhà ở, một nguy cơ tiềm ẩn khác là cửa sổ. Nhiều nơi, cửa làm bằng kính thường, không có lưới thép hoặc song sắt, bậu cửa thấp nên trẻ nhỏ có thể nhoài ra ngoài. Tương tự, tay vịn của lan can cũng như cầu thang thoát hiểm, đối với nhà chung cư, rất thấp và thưa.

Còn khoảng cách giữa hai vế thang của nhà hình ống, nhà chia lô, được thiết kế rộng tối đa để lấy ánh sáng hoặc thông gió tự nhiên. Đây chính là những kẽ hở vô tình gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Do tính hiếu động, trẻ thường hay leo trèo lên cầu thang để tụt xuống, thò đầu qua các thanh chắn đứng của tay vịn hoặc bị trơn trượt, bước hụt... ngã - bà Trần Thanh ý lo ngại.

Ngay tại nhiều cơ sở y tế khám, chữa cho bệnh nhi cũng tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn từ công trình. Theo khảo sát của PGS.TS Nguyễn Khắc Sinh và TS Ngô Kim Dung (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội), ví dụ điển hình cho sự mất an toàn là lan can thấp và có các thanh ngang; cửa kính bố trí tới tận mặt sàn, kính chớp bị vỡ, mất. Đặc biệt, do phần lớn công trình xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, thường xảy ra hiện tượng bong, rơi vữa lót trần; rãnh thoát nước dưới tầng một rộng và sâu nhưng mất nắp đậy...

Xét từ góc độ tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng công trình, các chuyên gia đưa ra 2 nhóm nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây hại cho trẻ nhỏ. Nhóm thứ nhất không thực hiện theo tiêu chuẩn do không biết, bỏ qua chi tiết, nhà đầu tư chỉ quan tâm tới lợi nhuận, bỏ qua yêu cầu an toàn, thiếu bảo trì, bảo dưỡng...

Nhóm thứ hai, tiêu chuẩn còn bất cập, thiếu quy định cụ thể, chưa bắt buộc đến yếu tố an toàn... Vì vậy, giải pháp phòng ngừa được kiến nghị là rà soát lại hệ thống tiêu chuẩn và tăng cường công tác giám sát việc tuân thủ quy định an toàn.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng, khâu quy hoạch xây dựng hết sức quan trọng. Trong các phân khu chức năng đô thị, liên quan nhiều đến an toàn cho trẻ là 2 yếu tố: bán kính phục vụ của các công trình trường học và không gian xanh phục vụ vui chơi giải trí cho trẻ.
 
Vì vậy, nên chăng để trường mẫu giáo được bố trí trong từng nhóm ở thay vì quy định hiện nay trong từng đơn vị ở, vì đơn vị ở có quy mô tới 2 vạn người. Còn trường trung học cơ sở được bố trí trong từng đơn vị cấp phường. Như vậy mới hạn chế đi lại, góp phần giảm thiểu tai nạn cho trẻ khi tham gia giao thông.

Về phân loại cây xanh, cần quy định rõ diện tích dành cho trẻ trong đơn vị ở, tránh trẻ em sử dụng chung không gian xanh và mặt nước cho người lớn, hoặc thiếu giải pháp bảo vệ an toàn.

Cũng theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong quy hoạch có xác định khu vực bảo vệ (lưới điện, đường ống dẫn dầu, công trình cấp, thoát nước...), song trên thực tế khu vực này vẫn sử dụng với hạn chế chung.
 
Nên chăng cần đề cập đến quy định khu vực nghiêm cấm trẻ em để hạn chế tai nạn do trẻ đùa nghịch, bởi một trong những mục tiêu của quy hoạch xây dựng là nhằm tạo lập môi trường sống an toàn, thích hợp cho mọi người.

Có 7 nguyên nhân có thể gây tai nạn thương tích cho trẻ em trong quá trình sử dụng công trình, trong đó nghiêm trọng hơn cả là ngã từ trên cao xuống do không có lan can, hoặc lan can thấp, khoảng cách lan can quá rộng.

Theo báo cáo của 28 Sở Xây dựng, trong năm 2003 - 2007 có 6 vụ tai nạn ngã từ trên cao vì lý do trên, làm chết 2 trẻ; 5 vụ ngã do vật liệu không phù hợp (gạch nền, gạch lát khu vệ sinh trơn trượt...) làm chết 1 trẻ; 7 vụ do chập điện, cháy nổ, thiết bị lắp đặt trong nhà rơi... làm chết 2 trẻ.



Theo Hà Nội Mới