Hậu quả không chỉ là lãng phí

Cập nhật 03/03/2009 13:10

Hiện nay các Sở Xây dựng chủ yếu làm công tác quản lý Nhà nước. Việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp không chỉ là bài toán kế hoạch xây nhà...

Đó là nhận định của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa-Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, sau khi Báo SGGP đăng bài “Nghịch lý thừa-thiếu trong phát triển đô thị”.

Phát triển không cân đối là phát triển không bền vững

* Tiến sĩ có thể nói cụ thể hơn?

Tất cả là từ thực tế. Tại sao hàng ngàn ngôi nhà không phép hoặc sai phép cứ ra đời, dù có hàng chục quy định nghiêm cấm xây dựng nhà không phép hoặc sai phép của Nhà nước? Đó là vì đại bộ phận người dân cần có nhà ở mà họ lại không có khả năng mua nhà cao cấp, buộc họ phải tìm cách xây dựng cho mình ngôi nhà vừa với khả năng. Điều này xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả nhiều nước đang phát triển khác.

Trước kia, vào những năm 1970-1990, Nhà nước có rất nhiều chính sách chăm lo nhà ở cho người dân, đặc biệt trong đó tập trung cho gia đình cán bộ công nhân viên, lực lượng vũ trang… Những ngôi nhà thời ấy không đẹp, không rộng rãi, nhưng chúng phù hợp với mức thu nhập của người dân. Ở miền Nam, chính quyền cũ trước 1975 cũng có những khu cư xá dành cho viên chức. Nhà ở đây thường rất nhỏ, khá tạm bợ, thậm chí là nhà cấp 4 và tường tiếp giáp giữa các căn nhà là tường chung…

Thế nhưng, chúng đã giải quyết khá tốt nhu cầu nhà ở cho đại bộ phận người dân có thu nhập thấp. Như vậy, chẳng phải tình trạng thừa - thiếu trong phát triển đô thị hiện nay là lãng phí (những ngôi nhà không có người ở), mà còn là nguyên nhân quan trọng làm nảy sinh tình trạng xây nhà trái phép, nhà không phép, đặc biệt đối với những ngôi nhà nhỏ phát triển tự phát ở khắp các quận, huyện ngoại thành TPHCM. Việc ấy đã ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quy hoạch, phát triển đô thị một cách bền vững.

* Có nhiều ý kiến lại cho rằng, tình trạng xây dựng không phép, sai phép chủ yếu là do ngành chức năng chậm phủ quy hoạch và thủ tục xây dựng nhà quá phức tạp?

Đấy cũng là một trong những nguyên nhân. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nhà ở vừa với khả năng mua của người thu nhập thấp, cộng với sự quan tâm chưa đúng mức của Nhà nước đối với lĩnh vực nhà ở xã hội mới là nguyên nhân chính làm phát sinh những khu nhà ổ chuột, nhà không phép, sai phép tạm bợ ở các quận, huyện ven.

Cần có một cơ quan phát triển nhà ở chuyên trách

* Nền kinh tế Việt Nam đang vận hành theo cơ chế thị trường. Thị trường địa ốc cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Thế thì, xây nhà cho người thu nhập thấp, lãi suất không cao, làm sao thu hút nhà đầu tư?

Chúng ta không quay trở lại thời bao cấp nhưng bằng cơ chế, chính sách Nhà nước có thể làm thị trường nhà cho người thu nhập thấp sôi động lên và hấp dẫn nhà đầu tư. Singapore là một nước có nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng vẫn có cơ quan phát triển nhà ở để điều tiết thị trường này, hướng thị trường phục vụ nhu cầu thực sự của đại bộ phận người dân. Việt Nam, mà cụ thể là ở các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội, tuy đã có một số chính sách về phát triển nhà ở xã hội, nhưng cũng nên có một cơ quan chuyên trách phát triển nhà ở. Cơ quan này có trách nhiệm nghiên cứu thị trường, đề xuất ra những giải pháp điều tiết thị trường sao cho chúng vận hành hiệu quả nhất.

* Hiện nay, Sở Xây dựng của các tỉnh thành đang đảm nhận công tác phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cũng có Cục Quản lý nhà ở làm nhiệm vụ này… Đẻ thêm một cơ quan khác, liệu có hiệu quả?

Hiện nay các Sở Xây dựng chủ yếu làm công tác quản lý Nhà nước. Việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp không chỉ là bài toán kế hoạch xây nhà, mà là bài toán tổng hợp của nhiều vấn đề. Trước hết là thị trường, nắm được nhu cầu ở của người dân, sau đó đặc biệt phải nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách tài chính thu hút nhà đầu tư…, rồi cũng phải nghiên cứu cơ chế chính sách giúp người thu nhập thấp có thể mua được nhà… Một cơ quan có chức năng tổng hợp như vậy mới đủ sức phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Ngoài ra, cơ quan này phải làm cho thị trường địa ốc vận hành theo cơ chế “bình thông nhau”, cân đối được cung-cầu của thị trường nhà ở cao cấp và nhà ở xã hội, đảm bảo cho thị trường nhà đất nói chung phát triển cân đối, phục vụ được nhu cầu của tất cả các đối tượng.

* TPHCM và nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đã có khá nhiều cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp. Người mua nhà thu nhập thấp cũng đã được xem xét cho vay tiền mua nhà với lãi suất ưu đãi… Thế nhưng, thị trường này vẫn không sôi động được. Vì sao?

Trong bài “Nghịch lý thừa-thiếu trong phát triển đô thị”, Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng đã nêu một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhà cho người thu nhập thấp quá rườm rà, nhiều điểm còn không phù hợp với tình hình thực tế. Nhưng tôi còn thấy có một yếu tố nữa là nhiều khi cũng do chúng ta cầu toàn quá. Chúng ta ít tiền nhưng lại cứ muốn có ngay những khu đô thị đẹp đẽ, hiện đại. Hãy cứ “liệu cơm gắp mắm”, tạm xây dựng những đô thị, khu dân cư tầm trung, phù hợp với khả năng mua của đại bộ phận người dân.

Tất nhiên với điều kiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội phải đảm bảo. Sau này có tiền, chúng ta sẽ xây dựng lại thành những đô thị, khu dân cư đẹp hơn. Một điều nữa là không nên để tình trạng mỗi dự án một khu tái định cư, mà Nhà nước nên tập trung nguồn lực phát triển nhiều khu đô thị với những mức đầu tư khác nhau, tất nhiên là quan tâm nhiều đến khu đô thị cho người thu nhập trung bình và thấp. Khi Nhà nước có nhu cầu giải tỏa ở đâu, thì những khu đô thị như vậy sẽ là nơi cung ứng nhà ở tái định cư thuận tiện cho người dân. Có như vậy, thành phố mới phát triển bền vững được, tránh phát triển kiểu “lốm đốm” - cứ thuận đâu thì mua đất xây nhà tái định cư ở đấy - như hiện nay.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng