Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm (2003-2008) đã tác động đến đời sống của trên 627.000 hộ gia đình với khoảng 950.000...
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm (2003-2008) đã tác động đến đời sống của trên 627.000 hộ gia đình với khoảng 950.000 lao động và 2,5 triệu người.
Mặc dù các địa phương đã ban hành nhiều chính sách cụ thể như bồi thường, hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ tái định cư đối với nông dân bị thu hồi đất... nhưng trên thực tế 67% lao động nông nghiệp vẫn giữ nguyên nghề cũ sau khi bị thu hồi đất, 13% chuyển sang nghề mới và có tới 25 - 30% không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định.
Dư thừa lao động
Kết quả là 53% số hộ dân bị thu hồi đất có thu nhập giảm so với trước đây. Chỉ có khoảng 13% số hộ có thu nhập tăng hơn trước. Trung bình mỗi hộ bị thu hồi đất có 1,5 lao động rơi vào tình trạng không có việc làm và mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi có tới 13 lao động mất việc làm, phải chuyển đổi nghề nghiệp.
Điều đáng nói là lao động nông thôn chiếm tới tỷ trọng lớn trong tổng lao động cả nước nhưng lại tập trung chủ yếu trong ngành nông nghiệp, nơi tạo ra năng suất lao động thấp nhất và cũng là nơi quỹ đất canh tác đang ngày càng bị thu hẹp và giảm dần do rất nhiều nguyên nhân.
Hậu quả tất yếu là dư thừa lao động và thiếu việc làm tại các vùng nông thôn. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Hồng là vùng có diện tích đất bị thu hồi lớn nhất trong những năm qua (chiếm 4,4% tổng diện tích đất nông nghiệp).
Trung bình mỗi ha đất nông nghiệp thu hồi ở vùng đồng bằng sông Hồng, có 15,33 người bị mất việc làm, cá biệt có địa phương như Hà Nội, 1 ha đất thu hồi có tới gần 20 lao động bị mất việc làm.
Một báo cáo mới đây của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, từ nay đến năm 2010 thành phố Hà Nội có kế hoạch thu hồi, chuyển mục đích sử dụng khoảng 5.201 ha đất nông nghiệp, tức là sẽ có khoảng 20 vạn lao động nông nghiệp phải chuyển nghề do bị mất đất sản xuất nông nghiệp.
Cũng theo báo cáo này, Hà Nội thu hồi khoảng 1.000 ha đất mỗi năm, trong đó 80% là đất nông nghiệp. Nếu tính riêng từ năm 2005 đến nay, thành phố đã thu hồi 1.720 ha đất, tương đương 57.580 hộ dân mất đất sản xuất; 5.927 hộ phải tái định cư. Trong số đó, có 3,5 vạn hộ bị thu hồi 30% diện tích đất nông nghiệp, chiếm 60% số hộ bị thu hồi đất.
Tuy nhiên, cơ chế chính sách chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động tại chỗ chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với việc mở rộng các khu công nghiệp, tốc độ đô thị hóa nhanh ở các quận, huyện ven thành phố như Từ Liêm, Gia Lâm, Tây Hồ... khiến Hà Nội không còn đất canh tác và có khoảng 100.000 lao động trong độ tuổi cần việc làm mỗi năm.
Tại Hải Phòng, thành phố lớn thứ 3 trong cả nước, áp lực về nhu cầu việc làm của người dân độ tuổi lao động cũng không ngừng tăng. Ước tính trong vòng 10 năm trở lại đây, đã có hàng vạn ha đất nông nghiệp không thể trồng cấy vì phải nhường chỗ cho các dự án mới được đầu tư chẳng liên quan gì đến trồng lúa.
Đánh đổi cho sự phát triển theo hướng hiện đại và công nghiệp hoá này là hàng chục vạn người trong độ tuổi lao động đã mất dần khả năng tự tạo việc làm trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Theo kết quả điều tra của Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh, ở các huyện Quế Võ, Tiên Du và thành phố Bắc Ninh, bình quân mỗi lao động nông nghiệp bị thu hồi 697 m2 đất. Nếu tính cho giai đoạn 2006 đến 2010 thì với 6229,56 ha đất dự kiến chuyển mục đích sử dụng vào các ngành phi nông nghiệp, số lao động nông nghiệp trong các hộ thu hồi đất cần chuyển đổi nghề sẽ lên tới 89.376 người, tăng 1,7 lần so với giai đoạn 2001 - 2005.
Tương tự, diện tích đất bị thu hồi ở vùng Đông Nam Bộ chiếm 2,1% diện tích đất nông nghiệp. Chỉ riêng Tp.HCM, từ năm 1998 đến nay, để thực hiện khoảng 800 dự án, đã có trên 100.000 hộ dân bị giải tỏa, phần lớn thuộc các quận, huyện ngoại thành.
Khó chuyển đổi nghề
Tuy nhiên, đáng lo là chất lượng lao động nông thôn còn thấp, cả về trình độ văn hóa lẫn chuyên môn kỹ thuật. Có đến trên 83% lao động nông thôn chưa từng qua trường lớp đào tạo chuyên môn kỹ thuật nào và khoảng 18,9% lao động nông thôn chưa tốt nghiệp tiểu học trở xuống. Vì vậy khả năng chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm tốt hơn đối với nhóm lao động này là không đơn giản.
Về cầu lao động, kinh tế trang trại cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn phát triển còn khiêm tốn, mới chỉ tập trung ở các làng nghề và cũng chỉ giới hạn ở một số địa phương nhất định mà chưa lan tỏa rộng đến nhiều vùng lân cận.
Bên cạnh đó, các kênh thông tin việc làm và giao dịch ở nông thôn chưa phát triển, người lao động tìm việc chủ yếu thông qua người trong gia đình, họ hàng hay bạn bè thân quen, các kênh giao dịch trên thị trường cũng như vai trò của các tổ chức giới thiệu việc làm dường như mờ nhạt ở khu vực nông thôn, không tạo được sự quan tâm của số đông người lao động.
TS. Đinh Văn Đãn, Lưu Văn Duy (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) nhận định lao động nông thôn rất cần được đào tạo, dạy nghề, họ cần có trình độ chuyên môn và cập nhật kiến thức để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước.
Đồng thời cần có cơ chế giám sát việc doanh nghiệp ưu tiên nông dân và con em nông dân sau thu hồi đất; hỗ trợ nông dân tận dụng quỹ đất nông nghiệp còn lại chuyển sang phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả cao, áp dụng các tiến bộ khoa học mới tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích; thay vì cách sử dụng nguồn tiền bồi thường thông thường, có thể hướng dẫn người dân sử dụng bằng những cách hiệu quả hơn như: trích một khoản tiền được bồi thường góp vốn vào dự án khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp trong khu công nghiệp, trở thành các cổ đông...
Theo ông Hoàng Xuân Phương, Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, Nhà nước cần rà soát và điều chỉnh các chính sách hiện hành để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động thuần nông có thể tự chuyển dần sang công nghiệp, dịch vụ ngay từ trước khi thu hồi đất.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy