Sau khi thông tuyến toàn bộ trục đường này vào năm 2012, giao thông khu vực sẽ được phát triển với đường sắt tuyến Bắc - sẽ nối với tuyến đường sắt trên cao Yên Viên - Ngọc Hồi và tuyến đường sắt vành đai...
Dự án đường Vành đai 2,5 chạy qua địa bàn các quận trung tâm Thủ đô đang là động lực cho hàng loạt dự án bất động sản đẩy nhanh tiến độ.
Đường vành đai 2,5 là tuyến đường nằm giữa đường vành đai 3 và vành đai 2, bắt đầu từ Khu đô thị mới Ciputra, kết thúc tại điểm giao cắt với vành đai 3 (đoạn gần cầu Thanh Trì) với tổng chiều dài là 21,2km. Theo quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2020, đường vành đai 2,5 là trục giao thông xuyên qua hàng loạt các quận nội thành với khả năng tạo động lực phát triển thương mại, dịch vụ.
Sau khi thông tuyến toàn bộ trục đường này vào năm 2012, giao thông khu vực sẽ được phát triển với đường sắt tuyến Bắc - sẽ nối với tuyến đường sắt trên cao Yên Viên - Ngọc Hồi và tuyến đường sắt vành đai; ga Giáp Bát, ga Yên Sở. Đường bộ, có quốc lộ 1A, chuyển thành tuyến đường chính đô thị nối vào đường trung tâm thành phố, mặt cắt rộng 46 m.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hà Nội, để hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực phía Nam Thành phố, cùng với tuyến đường Vành đai 2,5, UBND Thành phố cũng quy hoạch xây dựng hàng loạt tuyến đường liên khu vực, có các tuyến đường: Đầm Hồng - Giáp Bát - Lĩnh Nam; tuyến Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đã (được thành phố phê duyệt chỉ giới đường đỏ) mở rộng 40 m. Tuyến đường Tam Trinh - vành đai 3, mặt cắt rộng 40 m; đoạn phía tây thôn Yên Duyên mở rộng 55 m. Đường từ cảng Khuyến Lương vào thành phố, mặt cắt rộng từ 30 đến 40 m, nối với đường Tam Trinh tại nút giao với đường vành đai 3. Các tuyến đường khác được mở rộng gồm đường phố Trương Định, rộng 40 m; phía đông khu nội chính quận 40 m; tuyến nối các phường Yên Sở - Vĩnh Hưng - Thanh Trì sẽ điều chỉnh đường rộng 40 m. Các tuyến đường còn lại sẽ lấy mốc mở rộng từ 25 đến 30 m (lòng đường 15 m; hè mỗi bên rộng từ 5 đến 7,5 m).
Hàng loạt các dự án bất động sản trên địa bàn quận Hoàng Mai sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi về cơ sở hạ tầng trên địa bàn khu vực phía Nam Thành phố này. Trước hết phải kể để dự án Yên Sở Park - do Tập đoàn Gamuda Berhard (Malaysia) làm chủ đầu tư. Toàn bộ dự án này trải rộng trên diện tích 327ha bao quanh hồ Yên Sở. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD, bao gồm các hạng mục: công viên, hồ điều hoà, khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế, căn hộ cao cấp, biệt thự, câu lạc bộ giải trí và các công trình phụ trợ khác sẽ là điểm nhấn cho toàn bộ khu vực phía Nam Thành phố này.
Các dự án xung quanh khu vực Công viên Yên Sở có thể kể đến như: dự án Trung tâm Thương mại Lilama (số 52 Lĩnh Nam) do Công ty cổ phần Lilama làm chủ đầu tư; Dự án: Khu nhà ở để bán Ba Hàng A (282 Lĩnh Nam) - Chủ đầu tư - thi công: Cty CP đầu tư và phát triển nhà Hà Nội 22 (Handico 22); dự án Vinhhung Dominium - khu nhà ở kết hợp văn phòng tại số 409 Lĩnh Nam do Công ty kinh doanh Nhà Vĩnh Hưng làm chủ đầu tư… cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.
Lợi thế của các dự án trong khu vực này là ngoài các dự án nhà ở, khu đô thị mới đã đi vào hoạt động như: khu đô thị Đền Lừ, Khu đô thị Định Công, khu đô thị Linh Đàm… thì hệ thống cơ sở hạ tầng cũng ngày một hoàn thiện hơn. Đó là các dự án cầu Vĩnh Tuy, cầu vượt Thanh Trì và hệ thống đường dẫn kết nối khu vực phía Đông với phía Tây và trung tâm Thành phố.
Các dự án hạ tầng xã hội như chợ dân sinh, trường học, trung tâm văn hoá, cơ sở y tế… cũng đã sẵn sàng phục vụ đời sống của người dân. Đó là dự án chợ dân sinh Mai Động và chợ đầu mối phía Nam đã đi vào hoạt động từ năm 2008, siêu thị Metro Hoàng Mai cũng đã khai trương từ đầu năm 2009. Hệ thống các trường từ tiểu học đến cấp 3 đã được xây dựng hoàn thiện và đi vào hoạt động…
Cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có, với việc dự án đường Vành đai 2,5 sẽ thông tuyến vào dịp kỷ niệm Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội (10/10) tới, khu vực phía Nam Thành phố sẽ là sự lựa chọn mới cho các nhà đầu tư bất động sản trên địa bàn Thủ đô.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư