Hàng chục căn biệt thự, resort bị buộc ngừng thi công

Cập nhật 15/12/2009 09:40

Hàng chục căn biệt thự, resort được cấp phép đầu tư tại bãi biển Kê Gà (Bình Thuận) bất ngờ bị yêu cầu ngừng thi công để nhường chỗ cho một dự án chưa được thông qua.

Hàng chục căn biệt thự, resort được cấp phép đầu tư tại bãi biển Kê Gà (Bình Thuận) bất ngờ bị yêu cầu ngừng thi công để nhường chỗ cho một dự án chưa được thông qua.

Từ năm 2000 đến 2004, hưởng ứng lời mời gọi đầu tư của UBND tỉnh Bình Thuận, hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước chen nhau đăng ký xin cấp dự án du lịch ở vùng biển Tân Thành (Hàm Thuận Nam).

Đầu tư hàng ngàn lượng vàng

Mặc dù lúc đó đường sá đi lại còn cách trở, không có điện, nước nhưng các nhà đầu tư vẫn nhận định vùng biển Tân Thành - Kê Gà sẽ là thiên đường nghỉ dưỡng trong tương lai. Phong cảnh hữu tình với bờ biển đẹp, trong lành và hoang sơ đã hấp dẫn họ. Nhiều người đã phải cầm cố, thế chấp tài sản, vay mượn để đầu tư vào dự án của mình hàng ngàn lượng vàng. Từ một vùng đất nghèo kiệt, hoang hóa ngày nào, Tân Thành bỗng thay da đổi thịt với những khu resort, biệt thự cao cấp bắt đầu hình thành.
 

Nhiều khu resort sang trọng bị bỏ hoang đang xuống cấp trầm trọng.


Công việc làm ăn đang suôn sẻ, có resort đã rục rịch khai trương đón khách thì tháng 4-2008, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận có văn bản thông báo đến các nhà đầu tư về chủ trương xây dựng cảng Kê Gà ngay trên vùng đất mà họ đang xây dựng. Theo đó, có khoảng 12 nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi quy hoạch cảng Kê Gà. Đến tháng 4-2009, Sở Kế hoạch và Đầu tư mời các chủ resort đến tiếp tục thông báo về việc này.

Ông Vũ Chí Công, chủ khu du lịch sinh thái Đức Hạnh, bức xúc cho biết gia đình ông đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng để đầu tư. Thế nhưng tại cuộc họp, UBND tỉnh Bình Thuận lại không đá động gì mà lại liên tục thúc ép dừng thi công để tỉnh giao đất cho nhà đầu tư khác!

Ngày 25-6-2009, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản về chính sách đền bù cho các resort sẽ bị thu hồi, giải tỏa. Theo đó sẽ đền bù đất theo giá nhà nước và hoàn trả các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đầu tư dự án nhưng phải có chứng từ hợp lý, hợp lệ kèm theo. Một nhà đầu tư tại đây chua chát cho biết để được đầu tư du lịch tại đây họ đã tốn rất nhiều công sức, nhiều khoản tiền chi phí không tên thì họ lấy đâu ra chứng từ để thanh toán.

Resort bị “trùm mền”

Ông Nguyễn Đức Hiếu, chủ resort Thế Giới Xanh nói như mếu rằng ông đã bỏ xấp xỉ 3.000 lượng vàng và trần lưng ăn ngủ cùng công nhân suốt bốn năm mới hình thành được khu du lịch. Thế nhưng khi vừa khai trương đón khách và chuẩn bị xây thêm một số hạng mục nữa thì bị thông báo tạm ngưng. Hiện resort Thế Giới Xanh đang bị “trùm mền”, đóng cửa, chưa biết khi nào mới hoạt động trở lại.

Tương tự, hàng chục khối nhà cao cấp, biệt thự, bungalow của các resort Ba Suối, Thành Đạt... phải bỏ hoang vì dự án cảng Kê Gà từ trên trời rơi xuống.

Đầu tháng 12 này, chúng tôi đã có cuộc khảo sát ở những ngôi biệt thự “ma” mới thấy đau xót với khối tài sản khổng lồ mà các doanh nghiệp đã bỏ ra hiện có nguy cơ mất trắng. Bước vào khu vực này ai cũng có cảm giác đang bước vào một thế giới lãng phí. Những ngôi biệt thự sang trọng, mỗi căn trị giá bạc tỉ hoang hóa; những hồ bơi trong xanh ngày nào giờ đã đổi màu với đầy bao nylon, xác chuột chết nổi lềnh bềnh. Cỏ dại mọc khắp lối đi, tràn vào cả khu biệt thự, nóc nhà bị gió đánh tung mái, tường nhà nham nhở, bong tróc.

Chủ resort Thế Giới Xanh Nguyễn Đức Hiếu than thở từ khi nhận được thông báo, ông đã cho trùm hết khu resort bằng lưới, thế nhưng do không ai coi ngó, chăm sóc, khu resort đã xuống cấp kinh khủng.

Phải nhường đất cho cảng?

Cuối năm 2007, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản bổ sung quy hoạch Kê Gà thành cảng tổng hợp và yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận hướng dẫn các nhà đầu tư xây dựng cảng biển.
 

Hồ bơi không ai chăm sóc.


Mục đích của cảng biển này là sẽ vận chuyển bôxít từ các dự án Tân Rai, Nhân Cơ ở Tây Nguyên xuống. Đến mãi tháng 5-2009, Sở Giao thông Vận tải tỉnh mới có báo cáo về việc cắm mốc xác định ranh giới khu vực cảng Kê Gà. Toàn bộ quy hoạch này lại dính hết vào các khu resort mà trước đó tỉnh Bình Thuận đã mời gọi đầu tư nên tỉnh có thông báo các khu du lịch dừng xây dựng. Trong một văn bản gửi đến các chủ resort, UBND tỉnh cũng đã thừa nhận việc quy hoạch cảng Kê Gà đã làm ảnh hưởng và thiệt hại cho các nhà đầu tư du lịch, UBND tỉnh rất... cảm thông.

Ông Vũ Chí Công, chủ khu du lịch Đức Hạnh cho biết ông được cấp phép đầu tư bằng quyết định, vì thế nếu muốn dừng thi công thì UBND tỉnh phải có quyết định hẳn hoi chứ không thể yêu cầu bằng thông báo theo kiểu mệnh lệnh hành chính.

Doanh nghiệp Đức Hạnh đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị cho họ tiếp tục thi công để đón khách gỡ gạc lại những gì đã bỏ ra và cam kết không yêu cầu bồi thường một đồng nào bởi họ sẽ đưa giá trị dự án vào để thành cổ đông của dự án cảng Kê Gà. Thế nhưng đề nghị này cũng không được UBND tỉnh chấp nhận.
 

Một nhà đầu tư cảng biển rút lui

Cảng Kê Gà do hai nhà đầu tư là Công ty Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tân (Bitas) và Tập đoàn Than và Khoáng sản làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, tháng 8-2009 sẽ khởi công xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì. Trong khi đó, theo ông Hồ Dũng Nhật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, thì Bitas đã chính thức rút lui, không đầu tư nữa.

Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao UBND tỉnh vẫn chưa có quyết định chính thức về việc dừng thi công đối với các doanh nghiệp, ông Nhật cho biết tỉnh đang tính toán và thực hiện việc này theo quy trình và cho biết khoảng tháng 3-2010, cảng Kê Gà sẽ được xây dựng.

Theo dự án, cảng Kê Gà có vốn đầu tư 550 triệu USD, tương đương gần 10.000 tỉ đồng. Căn cứ vào phụ lục phân loại dự án đầu tư của Chính phủ thì cảng Kê Gà là dự án đầu tư thuộc nhóm A. Do đó, các dự án quan trọng trên phải có báo cáo đầu tư xây dựng công trình để trình Quốc hội thông qua chủ trương và cho phép đầu tư. Các dự án nhóm A không phân biệt nguồn vốn phải lập báo cáo để trình Chính phủ cho phép đầu tư. Tuy nhiên, đến nay dự án nói trên vẫn chưa trình Quốc hội hoặc Thủ tướng chấp thuận mà đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi.

Ngoài việc hàng chục resort sẽ bị xóa sổ thì hải đăng Kê Gà, hải đăng cao và xưa nhất Việt Nam với kiến trúc độc đáo được người Pháp xây dựng từ năm 1898 sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra nếu cảng biển đặt ở đây sẽ gây ô nhiễm môi trường một vùng biển rộng lớn và sẽ tác động trực tiếp đến vùng biển La Gi, Phan Thiết, Hòn Rơm, Mũi Né, những địa chỉ được xem là thiên đường nghỉ dưỡng, thế mạnh của Bình Thuận. Đó là chưa nói đến vùng biển Kê Gà là vùng biển vô cùng hiểm trở với nhiều đá ngầm, nhiều dòng chảy giao nhau và đã có rất nhiều con tàu phải bỏ mạng ở vùng biển này.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP