Thời gian gần đây, nhiều chủ dự án tiếp tục đưa ra các quy định nội bộ hạn chế việc chuyển nhượng quyền góp vốn mua đất nền tại các dự án khu dân cư, gây khó khăn không chỉ đối với người đang góp vốn mà còn ảnh hưởng đến thị trường...
Ảnh minh họa |
Thời gian gần đây, nhiều chủ dự án tiếp tục đưa ra các quy định nội bộ hạn chế việc chuyển nhượng quyền góp vốn mua đất nền tại các dự án khu dân cư, gây khó khăn không chỉ đối với người đang góp vốn mà còn ảnh hưởng đến thị trường...
Tại một số dự án, chủ đầu tư quy định người góp vốn mua nền đất chỉ được sang nhượng không quá 3-4 lần. Khách hàng cuối cùng trong “chuỗi sang nhượng” này phải cam kết xây nhà chứ không được tiếp tục bán cho người khác. Nếu hai bên vẫn thực hiện mua bán thì chủ đầu tư không làm các thủ tục chuyển tên trên hợp đồng góp vốn sang người mua mới.
Giải thích lý do phải hạn chế việc sang nhượng, các chủ đầu tư cho rằng nhằm hạn chế mua đi bán lại và thúc đẩy nhanh việc xây nhà để hình thành khu dân cư thay vì để nham nhở nơi xây chỗ để trống. Chủ đầu tư một dự án cho biết dù có hơn 80% người mua đã xây dựng nhà ở và thời hạn công ty cam kết ra sổ hồng cũng đã trôi qua nhưng chưa thực hiện được do còn một số nền trong dự án vẫn tiếp tục được sang tay mà chưa xây nhà. Vì vậy hạn chế chuyển nhượng là cần thiết.
Thế nhưng theo một số chuyên gia bất động sản, việc hạn chế sang nhượng cũng có mặt hạn chế là làm giảm tính thanh khoản của thị trường. Nhà đầu tư sẽ chùn tay khi biết hợp đồng góp vốn sẽ không được hoặc hạn chế chuyển nhượng. Không ít trường hợp vì quá ưng khu đất đã phải bấm bụng mua với các thủ tục pháp lý lòng vòng, không rõ ràng, dễ phát sinh rủi ro.
Một số chuyên gia cho rằng thật ra những vấn đề phát sinh hiện nay có một phần lỗi từ các chủ đầu tư dự án. Sau khi có quy định về việc “cấm phân lô bán nền” (nghị định 181), các chủ đầu tư đã thay thế hợp đồng mua bán bằng hợp đồng góp vốn đầu tư. Với mục tiêu chủ yếu là bán được nền đất, nhiều chủ dự án đã không ràng buộc cụ thể thời hạn phải xây nhà ngay trong hợp đồng góp vốn ban đầu.
Việc kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm về thời hạn xây nhà trong hợp đồng hầu như không được thực hiện. “Lẽ ra ngay từ hợp đồng góp vốn đầu tư đầu tiên và trong các phụ lục sang nhượng quyền góp vốn này, chủ đầu tư phải ràng buộc cụ thể thời hạn xây nhà cũng như trách nhiệm của bên góp vốn, thay vì đợi sau này đơn phương ra quy định gây khó cho nhà đầu tư” - một chuyên gia nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO