Hạn chế thu hồi, mở rộng trưng mua

Cập nhật 10/12/2012 16:23

Do đất đai là tài sản hàng hóa, nên theo quy định của Hiến pháp không chỉ dùng biện pháp thu hồi, mà cần áp dụng cả cơ chế trưng mua hoặc trưng dụng trong trường hợp thật cần thiết. Luật Đất đai (sửa đổi) cần hạn chế tới mức tối đa cơ chế thu hồi đất, tăng cường mở rộng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất.

Do đất đai là tài sản hàng hóa, nên theo quy định của Hiến pháp không chỉ dùng biện pháp thu hồi, mà cần áp dụng cả cơ chế trưng mua hoặc trưng dụng trong trường hợp thật cần thiết. Luật Đất đai (sửa đổi) cần hạn chế tới mức tối đa cơ chế thu hồi đất, tăng cường mở rộng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất.

Hài hòa lợi ích


Một vấn đề đang được quan tâm trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là cơ chế thu hồi đất. Thực tế những năm vừa qua, vì mục đích phát triển kinh tế chúng ta đã thu hồi quá nhiều đất để xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch, sân golf và nhiều dự án khác.

Nhưng sau đó vì nhiều lý do khác nhau, một số dự án lại để hoang hóa, lãng phí đất đai, trong khi người nông dân không có đất để canh tác, đời sống gặp khó khăn, gây bức xúc, thúc đẩy tình trạng khiếu kiện về đất đai kéo dài.

Điều 23, Hiến pháp năm 1992 quy định: "Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định".

Để đảm bảo tính hợp hiến, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên quy định: "Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng an ninh và phục vụ các dự án vì lợi ích công cộng. Trường hợp sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế-xã hội như xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, dịch vụ, các dự án 100% vốn nước ngoài, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA thì sử dụng cơ chế trưng mua, trưng dụng”. Có như vậy mới đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất.

Áp dụng cơ chế giá công bằng

Vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng là điểm mấu chốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai ngày một gia tăng. Vì vậy, sửa đổi luật cần phải sửa đổi các quy định về vấn đề này.

Tuy nhiên, một điều quan trọng mà người có đất bị thu hồi quan tâm nhất là cuộc sống của họ ra sao khi đất, nhà bị thu hồi, dự thảo luật lại chưa đề cập nhiều (chỉ quy định: trường hợp bố trí vào khu tái định cư thì khu tái định cư phải bảo đảm có điều kiện kỹ thuật, hạ tầng xã hội bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ).
 

Trên thực tế, Nhà nước thu hồi đất bồi thường theo giá thị trường, tức mua quyền sử dụng đất của người sử dụng đất theo giá thị trường. Nhưng thực chất Nhà nước lại áp đặt giá cả thị trường, từ đó mâu thuẫn với khái niệm thị trường.

Ông THÂN ĐỨC NAM, Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng

Đây là vấn đề cần được quan tâm và tính toán kỹ, đừng biến người nông dân thành bần cùng hóa, đang có nhà thành không có nhà sau khi bị thu hồi đất.

Bên cạnh đó, điều quan tâm của người dân không phải bắt đầu từ tiền, họ đâu muốn bán đất, bán ruộng vì đất là tư liệu sản xuất đặc biệt; còn đất tức là còn cuộc sống ổn định, bởi trước khi bị thu hồi, dù phải canh tác và sống ở những nơi khó khăn, dân đâu có kêu ca và khiếu kiện.

Khi có quyết định thu hồi họ quan tâm đến quyền lợi có thỏa đáng hay không trên 2 khía cạnh: Một là vấn đề tâm lý bị coi là tước đoạt quyền sử dụng đất hay không; hai là giá cả đền bù có thỏa đáng hay không. Giải quyết tốt 2 khía cạnh này sẽ giảm đáng kể những khiếu kiện, tố cáo liên quan đến đất đai và đặc biệt tạo lòng tin cho quần chúng nhân dân. Do vậy, phải sử dụng đúng theo Hiến pháp quy định là "trưng thu, trưng mua" và tiến tới xây dựng quỹ đất sạch để đấu thầu.

Hiến pháp 1992 khẳng định: Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta xây dựng các chế độ chính sách pháp luật đều phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Từ quan điểm đó, thứ nhất cần xem xét điều chỉnh một số quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội thông qua.

Cụ thể, nghiên cứu áp dụng cơ chế giá công bằng đất đổi đất, nhà đổi nhà, tức là giá hoặc đất tái định cư có thể tạo được tài sản tương đương, tài sản bị thu hồi tại địa điểm khác tương tự, không phải bỏ thêm tiền, đồng thời Nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí để người bị thu hồi đất sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Thứ hai, nâng mức bồi thường cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, đồng thời Nhà nước bắt buộc phải đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân sau khi bị thu hồi đất.

Thứ ba, nghiên cứu lập quỹ giải quyết việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất giống như chúng ta quy định lập quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thứ tư, hạn chế tới mức tối đa cơ chế thu hồi đất, tăng cường mở rộng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất. Vì giá đất khi trưng mua quyền sử dụng đất cũng khác với giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi.
 

TRẦN NGỌC VINH, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội


DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC