Hôm nay (20-11), hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến đại lộ Đông Tây được thông xe trong niềm tự hào của người dân TPHCM
Hôm nay (20-11), hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến đại lộ Đông Tây được thông xe trong niềm tự hào của người dân TPHCM
Chiều 19-11, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã họp báo giới thiệu hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến đại lộ Đông Tây nhân sự kiện thông xe vào chiều nay, 20-11.
Chống thấm vượt yêu cầu
Ông Ryuji Manai, Giám đốc dự án đại lộ Đông Tây, cho biết công nghệ mà nhà thầu Obayashi (Nhật Bản) sử dụng xây dựng hầm Thủ Thiêm không có gì quá đặc biệt ngoài việc sử dụng chất dẻo bọc các khớp nối giữa 2 đốt hầm để chống thấm. Về vấn đề rạn nứt ở các đốt hầm, ông Ryuji Manai khẳng định các điểm thấm nước đã dừng hẳn.
Theo Hiệp hội Hầm thế giới, mức độ thấm nước của các loại hầm được xem là an toàn khi nằm dưới ngưỡng 5 ml/m2/giờ. “Hiện tại, trong hầm Thủ Thiêm không có giọt nước nào, nhà thầu đã hoàn tất công việc chống thấm vượt cả yêu cầu kỹ thuật mà thế giới đề ra” - ông Ryuji Manai nói.
Thiết bị vận hành và cứu trợ khẩn cấp trong hầm Thủ Thiêm đã được UBND TPHCM xác nhận đạt yêu cầu
|
Điểm nhấn của đại lộ Đông Tây
Hầm Thủ Thiêm được xem là điểm nhấn quan trọng của đại lộ Đông Tây. Hầm dài 1.490 m, trong đó phần hầm dìm dưới sông dài 370 m, phần còn lại là đường dẫn vào hầm. Theo tính toán, có khoảng 29.000 - 30.000 lượt xe qua hầm/ngày đêm.
- Tháng 9-2007, nhà thầu Obayashi đổ mẻ bê tông đầu tiên đốt hầm. Công trường được xây dựng tại huyện Nhơn Trạch - Đồng Nai.
- Ngày 7-3-2010, đốt hầm đầu tiên được kéo từ sông Lòng Tàu về sông Sài Gòn trên quãng đường gần 22 km.
- Ngày 10-3-2010, đốt hầm đầu tiên đã được đặt đúng vị trí dưới lòng sông Sài Gòn.
- Lần lượt từ tháng 4-2010 đến tháng 6-2010, 3 đốt hầm còn lại được kéo về và đặt thành công vào đường hầm dưới lòng sông Sài Gòn.
- Ngày 4-8-2010, bắt đầu thi công hợp long nối kết đốt hầm số 4 với hầm dẫn phía quận 1 và đến ngày 4-9-2010 thì hoàn tất việc hợp long.
- Ngày 21-9-2010, tổ chức lễ hợp long.