Hầm dìm Thủ Thiêm sắp về đích

Cập nhật 19/02/2010 09:30

Chỉ còn khoảng 15 ngày nữa, đốt hầm đầu tiên của dự án hầm dìm Thủ Thiêm (thuộc Dự án Đại lộ Đông Tây) sẽ được lai dắt về đến vị trí đánh chìm trên sông Sài Gòn.

Chỉ còn khoảng 15 ngày nữa, đốt hầm đầu tiên của dự án hầm dìm Thủ Thiêm (thuộc Dự án Đại lộ Đông Tây) sẽ được lai dắt về đến vị trí đánh chìm trên sông Sài Gòn. Có mặt trên công trường mùng 5 Tết, phóng viên báo Người Lao Động ghi nhận việc “dọn đường” để lai dắt đốt hầm đang đi đến những công đoạn cuối cùng.

Nếu không tận mắt chứng kiến, thật khó để tưởng tượng quang cảnh công trường hầm dìm Thủ Thiêm (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) chìm trong bốn bề sóng nước.

Cách đây hơn một tháng, chúng tôi vẫn còn có thể cuốc bộ ra vào nơi này để nhìn ngắm các đốt hầm nằm im lìm dưới đáy bể đúc từ con đê ngăn nước. Còn bây giờ, bốn đốt hầm dìm đã gần như mất hút giữa làn nước xanh rì của sông Lòng Tàu. Chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy bốn nóc hầm “ló” lên khỏi mặt nước độ gần một thước.





Công trương hầm dìm Thủ Thiêm ngập trong nước, chỉ còn nóc hầm lấp ló

Việc di chuyển phải “cầu cứu” đến ghe. Có lẽ dòng nước xanh mát đã khoác cho công trường một diện mạo mềm mại và mát mẻ hơn hẳn cái không khí khô cằn bụi đá trước kia, dù nắng vẫn phủ chụp gay gắt xuống chốn này trong những ngày đầu xuân.

Kỹ sư Nguyễn Xuân Trường, nhà thầu Obayashi (Nhật Bản), cho biết tuy các đốt hầm đã ngập trong nước, không còn thấy rõ hình hài nhưng trong lòng hầm đều có anh em công nhân, kỹ sư túc trực, kiểm tra mỗi ngày xem nước có thấm vào không.

Trên đầu mỗi đốt hầm đều có chòi canh, ngay phía dưới chòi canh là lối vào hầm chỉ đủ cho một người đi. Tuy trong hầm được chiếu sáng, thông gió nhưng vẫn rất nóng nực và khá ngộp. Chỉ những người được bảo đảm về sức khỏe mới được “chu du” vào lòng hầm. Chúng tôi mướt mồ hôi khi thấy cầu thang xuống hầm dài gần 10 m dựng đứng thẳng tưng và tối om om.


Việc đi lại trên công trường phải "cầu cứu" ghe


Chòi canh trên mỗi nóc hầm dìm


Công nhân kiểm tra hầm có bị thấm nước hay không (Ảnh chụp trong lòng hầm dìm)


Kỹ sư Nguyễn Xuân Trường (bìa phải) và kỹ sư Nguyễn Phi Khanh kiểm tra tiến độ công trường

Ngăn giữa sông Lòng Tàu và bể đúc là con đê ngăn nước dài 65m, được gia cố bằng hàng cừ larsen đều tăm tắp. Theo kỹ sư Đặng Đình Hải, nhà thầu Obayashi, đến nay đê ngăn nước đã bị tháo ra một đoạn 50m. Ngay cạnh đó, một máy xúc cỡ lớn đang hoạt động rì rì, ngày đêm nạo vét lòng sông đến chiều sâu - 9 m.

Cạnh bên là hai tháp định vị đang thành hình mỗi ngày. Kỹ sư Hải giải thích đến ngày lai dắt hầm, nước mênh mông không nhìn ra đâu là đâu, hai tháp định vị này cũng chính là “con mắt” giúp các chuyên gia lai dắt hầm chính xác.


50m đê ngăn nước đã được tháo ra



Ngay đoạn đê bị phá, máy xúc đang nạo vét lòng sông xuống độ sâu - 9 m


Chuyên gia người Trung Quốc bàn bạc công việc với công nhân Việt Nam tại tháp định vị.


Công nhân người Trung Quốc lắp ráp tháp định vị


Công nhân Nguyễn Ngọc Hùng hàn mối sắt trong tháp định vị

Những công việc trên được xem là công tác “dọn đường” để các đốt hầm được kéo ra sông Lòng Tàu thuận lợi. Cũng theo kỹ sư Hải, nếu không có gì thay đổi, 8 giờ 30 phút ngày 8-3, đốt hầm dìm đầu tiên sẽ được kéo đến sông Nhà Bè, hai tiếng sau sẽ về đến sông Sài Gòn và lúc 13 giờ, đốt hầm sẽ vào vị trí đánh chìm.

Chính vì công việc không cho phép giãn tiến độ nên gần 200 công nhân, kỹ sư và chuyên gia nước ngoài đã phải thi công xuyên Tết. Ông Hồ Văn Đạt, 40 tuổi, gia nhập vào đội ngũ công nhân công trường hơn một năm nay, tâm sự: “Tuy làm mấy ngày Tết nhưng tui cũng không thấy buồn nhiều vì rất đông anh em cũng làm như mình, không khí không khác ngày thường là mấy”. Công việc hiện nay của ông Đạt là canh gác hầm, kiểm tra các mối nối…

Còn công nhân Nguyễn Ngọc Hùng, 23 tuổi, chuyên hàn sắt tại tháp định vị bộc bạch: “Mình làm ở đây trọn cái Tết. Tết mà đi làm thì cũng buồn lắm nhưng biết sao bây giờ, ráng làm hết ngày tối về nhà với mẹ. Đây là năm thứ hai mình không đón Tết cùng gia đình”.



Công nhân làm việc ở hầm dìm Thủ Thiêm hầu hết đều "quên" Tết

Hầm dìm Thủ Thiêm còn gọi là hầm vượt sông Sài Gòn, có tổng chiều dài 1.409m, một đầu nối với Thủ Thiêm (quận 2), một đầu nối với Khánh Hội (quận 1).

Phần hầm dìm dài 370 m, gồm 6 làn xe. Mỗi đốt hầm dài 96m, cao 9m, rộng 33m, nặng 25.000 tấn.

Sau khi đốt hầm đầu tiên được lai dắt vào ngày 8-3, dự kiến 3 đốt hầm còn lại sẽ được lai dắt trong vòng 3 tháng tiếp theo. Theo đúng kế hoạch, ngày 30-6 sẽ hoàn tất lai dắt 4 đốt hầm dìm Thủ Thiêm.

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Phượng cho biết đại lộ Đông Tây sẽ được đưa vào sử dụng toàn tuyến vào quý II/2011.



DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động