Chiều 11/11, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050...
Chiều 11/11, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 thành một trong những trung tâm kinh tế-văn hóa của vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước.
Về quy mô, số dân nội thành được điều chỉnh lên 2,1 triệu dân đến năm 2025 với diện tích đất đai đô thị tăng theo từ 23.000-24.000ha năm 2015 lên 47.500-48.900ha vào năm 2025.
Khu vực đô thị trung tâm gồm 7 quận hiện có và dự kiến sẽ mở rộng thêm 5 quận cùng các huyện ngoại thành, đảo Cát Bà và Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải với tổng diện tích 1.521,9km2.
Tương lai, đô thị Hải Phòng sẽ phát triển theo 5 hướng chính ra biển. Phía Bắc mở rộng ra phía huyện Thủy Nguyên; phía Đông phát triển ra khu Đình Vũ, Tràng Cát và đảo Cát Hải; phía Đông-Nam mở rộng theo đường 353 (Cầu Rào-Đồ Sơn), một phần huyện Kiến Thụy; phía Tây, Tây-Bắc mở rộng ra huyện An Dương, một phần huyện An Lão và phía Nam ra quận Kiến An.
Đáng chú ý, hệ thống dịch vụ cảng biển sẽ vươn dài ra hướng biển, có cảng nước sâu Lạch Huyện hiện đại nằm kề với khu kinh tế Cát Hải, đảo Cát Bà thuận tiện cho các tàu lớn vào, ra cảng trong tương lai.
Việc điều chỉnh quy hoạch lần này còn xác định rõ hơn cấu trúc đô thị trung tâm (nội thành) và các đô thị vệ tinh, kết cấu hạ tầng giao thông đa dạng (thủy, bộ, sắt, hàng không), liên hoàn; nâng diện tích các khu sản xuất (khu, cụm công nghiệp, kho tàng) từ 1.600ha (theo quy hoạch cũ) lên 16.329ha.
Chính phủ cũng phê duyệt, bổ sung các khu công nghiệp của Hải Phòng vào quy hoạch phát triển chung các khu công nghiệp của cả nước, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố và khu vực.
Quy hoạch mới khẳng định xây dựng các khu nghỉ mát Đồ Sơn, Cát Bà trong tương lai trở thành khu du lịch cấp quốc gia và quốc tế gắn với khu du lịch, kỳ quan thiên nhiên của thế giới Vịnh Hạ Long; đồng thời phân định rõ khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung ở phía Nam thành phố như Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy, một phần phía bắc huyện Thủy Nguyên và phía Tây huyện An Lão.
Quy hoạch bổ sung lần này về kết cấu hạ tầng kỹ thuật cũng chỉ rõ hệ thống giao thông tĩnh, hệ thống thoát nước thải, nhất là quy hoạch hệ thống chiếu sáng đô thị mà quy hoạch lần trước không đề cập; xác định rõ hệ thống các công trình xử lý rác thải (gồm chất thải rắn, nước thải sinh hoạt) bảo đảm vệ sinh môi trường để đô thị phát triển bền vững.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, công bố Quyết định của Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng là việc làm bước đầu. Tuy nhiên điều quan trọng là phải chuyển hóa nhanh nội dung điều chỉnh quy hoạch ra thực tế cơ sở trên địa bàn để cộng đồng dân cư thành phố biết cùng thực hiện theo quy hoạch.
Các ngành, các cấp của thành phố cần khẩn trương xây dựng và thực hiện các đồ án quy hoạch chi tiết; điều chỉnh và lập quy phạm quản lý kiến trúc đô thị phù hợp với quy hoạch chung.
Đồng thời cần chú trọng đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện quy hoạch điều chỉnh nhằm từng bước xây dụng đô thị Hải Phòng xứng tầm đô thị loại 1, trung tâm cấp quốc gia; "cửa chính ra biển" quan trọng của cả nước và là trung tâm kinh tế-khoa học-kỹ thuật tổng hợp của vùng duyên hải Bắc Bộ.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+