Khi một số người có thể kiếm tiền một cách dễ dàng từ địa ốc, thì những người khác nên chuẩn bị tâm thế đón nhận khủng hoảng trong một tương lai gần”.
Khi một số người có thể kiếm tiền một cách dễ dàng từ địa ốc, thì những người khác nên chuẩn bị tâm thế đón nhận khủng hoảng trong một tương lai gần”.
Đó là nhận định của GS. Naushad Ali Azad (Khoa Kinh tế, Đại học Jamia Millia Islamia - ấn Độ) tại buổi diễn thuyết báo cáo chuyên đề về “Khủng hoảng kinh tế toàn cầu - Những bài học cho ngành bất động sản”. Chương trình được thực hiện theo lời mời của Bộ Xây dựng và Mạng lưới sàn giao dịch bất động sản miền Bắc Việt Nam (vừa diễn ra tại Học viện Quản lý Xây dựng và Đô thị - Bộ Xây dựng).
Ông Naushad Ali Azad đã kể câu chuyện có thật diễn ra tại làng Slavic, ngoại ô Thành phố Cleveland (Mỹ), nơi đã từng là niềm tự hào của 34.000 gia đình lao động Ba Lan và Czech cư ngụ. Thị trấn sầm uất một thời nay được ví như “Ground Zero”- nơi xảy ra thảm hoạ khủng bố tồi tệ ngày 11/9/2001 tại Mỹ. Phần lớn các ngôi nhà bị bỏ rơi, đổ nát do hệ quả từ việc cho vay dưới chuẩn của thị trường địa ốc Mỹ.
Trong những năm 2002-2005, Mark Kellogg, người sở hữu “Kellogg’s Doggs”- một cửa hiệu bán bánh mỳ kẹp xúc xích trên góc phố làng Slavic - đã giàu lên nhanh chóng nhờ việc thu xếp các khoản vay dưới chuẩn cho người dân ở đây. Với khoản vay này, nhiều gia đình đã chuyển từ ngôi nhà thuê giá 200-300 USD/tháng vào sinh sống tại các biệt thự trị giá hàng trăm ngàn USD. Cùng thời gian này, giá bất động sản cũng tăng lên nhanh chóng. Khi mọi chuyện đổ bể, Kellogg quả quyết rằng, ông ta chỉ nhận lợi ích tối đa (và hợp pháp) từ bối cảnh kinh tế mới, với các khoản cho vay dễ đến, dễ đi do Wall Street tạo nên.
“Các kiến trúc sư thật sự của thảm hoạ trên không chỉ là những người như Kellogg ở Cleveland, mà cả phố Wall, nơi những nhà tư bản kếch xù đang tìm ra những xảo thuật để gặt hái lợi nhuận, mà cho vay dưới chuẩn là một trong số những xảo thuật đó. Sâu xa hơn, không thể không nói đến sự nới lỏng trong chính sách tiền tệ của Chính phủ Mỹ những năm 2001-2005”, ông Naushad Ali Azad kết luận!
Tại Việt Nam, theo báo cáo kinh tế-xã hội của UBND TP. Hà Nội năm 2008, mức thu nhập bình quân của người dân Hà Nội là gần 1.500 USD/người/năm (xấp xỉ 200 USD/người/tháng). Trong khi đó, giá một căn hộ hạng trung ở Hà Nội từ 50.000 đến 100.000 USD/căn hộ. Mặc dù Bộ Xây dựng đã có nhiều biện pháp để bình ổn giá cả thị trường bất động sản, nhưng đến nay, chưa có biện pháp nào phát huy tác dụng. Giá bất động sản, đặc biệt là ở Hà Nội vẫn trong trạng thái “tăng dần đều”.
Giá một mét vuông nhà chung cư tại Dự án Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông) năm 2007 giao dịch tự do từ 5,5 triệu đồng đến 6,5 triệu đồng/m2. Năm 2008 dao động trong khoảng 9-10 triệu đồng/m2 và hiện tại là 13-14 triệu đồng/m2. Đã có nhiều cuộc kiện tụng giữa chủ đầu tư với khách hàng xung quanh chuyện tăng giá bất động sản. Tuy nhiên, thua thiệt trong các cuộc tranh chấp này phần lớn vẫn thuộc về khách hàng.
Tại Dự án Làng kiến trúc phong cảnh, Khu du lịch sinh thái cao cấp An Khánh (Hà Nội), hàng chục khách hàng đang đối mặt với nguy cơ mất trắng số tiền hàng trăm tỷ đồng khi mua đất nền dự án tại đây. Một công ty dịch vụ thương mại tổng hợp đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với chủ đầu tư hạ tầng Dự án. Sau đó, công ty này thế chấp lô đất cho ngân hàng để vay tiền, đồng thời bán cho người dân. Đến khi nợ ngân hàng đáo hạn, công ty mất khả năng thanh toán, người dân mới “tá hoả” rằng, các lô đất họ bỏ tiền ra mua đã bị ngân hàng siết nợ! Cơ quan điều tra đã vào cuộc gần nửa năm nay, nhưng chưa đưa ra kết luận về vụ việc này.
Sự nóng - lạnh thất thường của thị trường địa ốc Việt Nam hiện nay có lẽ không phải là một bản sao của thị trường địa ốc Mỹ trước khủng hoảng. Tuy nhiên, ví dụ về việc người ta có thể kiếm tiền một cách nhanh chóng để rồi người dân ở Cleveland phải chịu thảm hoạ là đáng để suy ngẫm!
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư