Hạ tầng mở lối cho bất động sản TP. HCM

Cập nhật 25/02/2015 08:10

Năm 2014 là cột mốc đánh dấu bước đột phá lớn về phát triển hạ tầng của TP.HCM với nhiều công trình trọng điểm đã, đang được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Điều này mở lối cho hàng loạt dự án bất động sản phát triển theo.

Năm 2014 là cột mốc đánh dấu bước đột phá lớn về phát triển hạ tầng của TP.HCM với nhiều công trình trọng điểm đã, đang được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Điều này mở lối cho hàng loạt dự án bất động sản phát triển theo.


Hạ tầng mở lối

Trong định hướng chiến lược phát triển đô thị, TP.HCM sẽ phát triển theo cả 4 hướng. Tuy nhiên, thời gian qua, chính sách phát triển hạ tầng của Thành phố có vẻ như dồn mạnh hơn vào khu vực phía Đông và Nam, với hàng loạt dự án hạ tầng đã, đang và sẽ được đầu tư mạnh.

Ở khu Đông, bao gồm các quận 2, quận 9 và Thủ Đức, đến nay, nhiều công trình hạ tầng trọng điểm đang từng bước được hoàn thành. Hầm Thủ Thiêm và đường Võ Văn Kiệt đã hoàn chỉnh, nối liền trung tâm TP.HCM với quận 2 và quận 9. Cầu Sài Gòn 2 vừa chính thức được đưa vào sử dụng, tạo sự liên kết hoàn chỉnh giữa trung tâm TP.HCM với toàn khu Đông, rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa các quận, huyện với nhau.

Bên cạnh đó, hàng loạt tuyến đường từ quận 9, quận 2 nối với quận 7 bằng cầu Phú Mỹ cũng đã thông suốt. Đặc biệt, mới đây, tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã thông xe giai đoạn I giúp việc di chuyển từ TP.HCM đến Long Thành chỉ mất khoảng 15 phút.

Thêm vào đó, gần đây, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến số 1) có sự khởi động khá tốt, khi chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng trọn gói Gói thầu số 2 với nhà thầu Sumitomo (Nhật Bản) và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6). Gói thầu này là hạng mục đầu tiên được triển khai trong số 4 gói thầu xây lắp của tuyến tàu điện dài 19,7 km, đi qua các quận 1, Bình Thạnh, quận 2, quận 9, Thủ Đức và huyện Dĩ An (Bình Dương) này. Thời gian dự kiến hoàn thành tuyến metro số 1 là năm 2017, đưa vào khai thác vận hành năm 2018.

Với quận Thủ Đức, Dự án đường Phạm Văn Đồng giai đoạn I đã được đưa vào sử dụng và dự kiến cuối năm nay sẽ chính thức hoàn thành toàn tuyến, rút ngắn thời gian đi từ Thủ Đức đến Tân Sơn Nhất (chỉ chưa đến 20 phút so với trước đây mất hàng giờ).

Trong khi đó, ở khu Nam Sài Gòn, bên cạnh “người khổng lồ” Phú Mỹ Hưng đã hình thành, các tuyến giao thông trọng điểm như Đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Nguyễn Hữu Thọ đã thông suốt, kéo theo hàng loạt dự án trường học, bệnh viện, ngân hàng được xây dựng.

Hiện nhiều công trình hạ tầng khác cũng được Thành phố chuẩn bị xây dựng theo định hướng Quy hoạch Phát triển giao thông đến năm 2020 là phát triển thành “thành phố mở” tập trung nối liền các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh, công trình đầu mối giao thông liên vùng để gắn kết chặt chẽ với các tỉnh, thành trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, sẽ phát triển khu Nam gồm các quận 6, 7, 8 và huyện Nhà Bè, Bình Chánh thành một đô thị vệ tinh.

Cụ thể, cầu Phú Định, hạng mục quan trọng của tuyến Vành đai 2 nối liền các khu đô thị phía Nam và Tây TP.HCM đang chuẩn bị khởi công. Cầu Phú Định thuộc Dự án xây dựng khép kín đường Vành đai 2 phía Tây Thành phố (địa bàn các quận 8, Bình Tân, Bình Chánh) dài 5,3 km và rộng 60 m. Dự án sẽ nối liền 2 bờ sông bằng cầu Phú Định này có tổng vốn đầu tư 6.060 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 4.200 tỷ đồng.

Tương tự, Thành phố cũng đang chuẩn bị khởi công cầu dây văng Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu, nối các huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và Nhà Bè (TP.HCM). Cầu Phước Khánh là một hạng mục quan trọng nằm trong tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, liên kết 4 địa phương là Long An, TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án bất động sản ăn theo

Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng, một trong những điểm nhấn của thị trường bất động sản TP.HCM trong năm 2014 là sự bứt phá của hạ tầng. Những nơi nào có chính sách phát triển hạ tầng tốt sẽ kéo theo sự phát triển của thị trường, mà tiêu biểu là khu Đông.

Tại khu vực này, sau khi tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thông xe, nhiều dự án bất động sản đã tăng tốc đầu tư và có được kết quả bán hàng khá tốt, như Dự án căn hộ Lexington Residence ở quận 2 của Novaland; hay các dự án đất nền Phước Long Spring của Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức, Nhân Phú của Công ty Phong Phú, nhà phố Mega Residence, Mega Ruby của Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền đều ở quận 9…

Động thái khởi động của tuyến metro số 1 gần đây đã dẫn dắt hàng loạt dự án dọc tuyến phát triển rầm rộ. Trong số các dự án có sản phẩm hút hàng nhất phải kể đến Dự án Masteri Thảo Điền. Đây là dự án khu dân cư cao cấp kết hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng và khách sạn được triển khai trên diện tích gần 8 ha, gồm 4 tòa tháp căn hộ cao cấp có độ cao 41-45 tầng với hơn 3.000 căn hộ, do Công ty Thảo Điền Investment làm chủ đầu tư. Dự án này có vị trí kết nối trực tiếp với ga An Phú (ga số 7) của tuyến metro số 1 và là dự án mà khách hàng mua căn hộ phải bốc thăm.

Ngoài ra, Dự án Tropic Garden ở phường Thảo Điền của Novaland; Dự án First Home Premium Thủ Đức (đường số 2, phường Trường Thọ, Thủ Đức)… cũng có sức hút lớn nhờ ăn theo tuyến metro số 1.

Tuy nhiên, trong số những dự án ăn theo hạ tầng hứa hẹn sẽ làm thay đổi bộ mặt của TP.HCM thời gian tới, phải kể đến Dự án Vinhomes Central Park của Tập đoàn Vingroup. Với tổng vốn đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng, Dự án có quy mô diện tích lên đến gần 43 ha, nằm ở ven sông Sài Gòn của quận Bình Thạnh, có hạ tầng kết nối với cầu Sài Gòn và cầu Thủ Thiêm.

Vinhomes Central Park được ví là “thành phố xanh thu nhỏ” với nhiều phân khu chức năng như khu căn hộ và biệt thự cao cấp; khu văn phòng cho thuê và căn hộ dịch vụ; khu trung tâm thương mại và các khu tiện ích khác. Đặc biệt, Vinhomes Central Park sẽ lập kỷ lục Việt Nam với tòa nhà cao nhất: tòa nhà Landmark cao 81 tầng. Dự án này đang được khẩn trương xây dựng, bắt đầu tung sản phẩm ra thị trường, dự kiến đến năm 2017 sẽ được đưa vào sử dụng.

Một đại dự án khác là Dự án Đại Quang Minh do Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư. Dự án này nằm dọc theo đại lộ Mai Chí Thọ (quận 2), cách trung tâm quận 1 chưa đến 10 phút di chuyển bằng đường hầm Thủ Thiêm. Đây là dự án khu dân cư thấp tầng và triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có tổng mức đầu tư khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng, sẽ được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu.

Dự án Đại Quang Minh có quy mô 37,15 ha, tổng số nhà ở là 1.131 căn, với các chức năng thương mại, trường học, nhà văn hóa, công viên... Hiện dự án này đang có tiến độ thi công khá tốt và dần làm thay đổi diện mạo của khu vực quận 2.

Tương tự, ở khu Nam Sài Gòn, nhiều dự án cũng đã ghi nhận kết quả bán hàng khá tốt thời gian qua như Dự án Him Lam Riverside của Công ty Him Lam Land, Dự án Sunrise City của Novaland, Dự án Hoàng Anh Thanh Bình của Công ty Thanh Bình… Ngoài ra, một số dự án đất nền thuộc khu Nam Sài Gòn cũng có kết quả bán hàng khá tốt như Dự án Osaka Garden, Dự án đất nền Phúc Thịnh (quận 8)…

Theo phân tích của giới kinh doanh bất động sản, hạ tầng và bất động sản có mối liên hệ mật thiết với nhau, sự phát triển của hạ tầng sẽ làm gia tăng giá trị bất động sản. Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Hưng Thịnh cho rằng, cả thị trường bất động sản dường như đang nghiêng về phía Đông và Nam Sài Gòn, mức độ tiêu thụ sản phẩm ở các khu vực này bao giờ cũng cao hơn các khu vực khác.

“Đây chính là xu hướng đón đầu hạ tầng. Xét về cơ hội hưởng lợi hạ tầng, phía Đông và Nam TP.HCM đang là lựa chọn khá tốt hiện nay, vì đây là những khu vực cửa ngõ của Thành phố, với hàng loạt dự án hạ tầng được xây dựng kết nối với toàn khu vực”, ông Hiền nói và cho rằng, so với mặt bằng chung, giá bất động sản ở những khu này đang ở mức hợp lý và đây sẽ là những khu vực tiếp tục dẫn dắt thị trường bất động sản TP.HCM trong thời gian tới.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư