Hà Nội: Xây đường trên cao tương đương nhà 7 tầng

Cập nhật 01/02/2013 08:54

Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, tại nút giao cầu vượt Ngã Tư Vọng, tầng 3- tuyến đường vành đai 2 - sẽ vượt trên cầu vượt hiện tại và tuyến đường sắt trong tương lai với chiều cao 32,8m, tương đương tòa nhà 7 tầng! Trong khi đó, người dân cũng lo ngại nhiều cầu vượt đứng trước nguy cơ … đoản mệnh.

Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, tại nút giao cầu vượt Ngã Tư Vọng, tầng 3-  tuyến đường vành đai 2 - sẽ vượt trên cầu vượt hiện tại và tuyến đường sắt trong tương lai với chiều cao 32,8m, tương đương tòa nhà 7 tầng! Trong khi đó, người dân cũng lo ngại nhiều cầu vượt đứng trước nguy cơ … đoản mệnh.

Hà Nội sẽ có đường trên cao tương đương tòa nhà 7 tầng. Ảnh minh họa

Chi gần 10.000 tỷ đồng cho 4 dự án

Trong quý I/2013, Hà Nội sẽ thực hiện dự án đường vành đai 2, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng. Theo Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, tuyến đường có chiều dài 2km, rộng 53,5 – 57,5m. Công trình sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý II/2015.

Hàng loạt dự án trọng điểm khác của thành phố cũng đang được đốc thúc chuẩn bị thực hiện, như đường vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, nút giao thông Ô Chợ Dừa (khởi công 2013, hoàn thành 2017), đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục (khởi công 2015, hoàn thành 2018). Theo đó, tổng mức đầu tư của 4 dự án trên dự kiến 9.222 tỉ đồng.

Trong khi đó, mặc dù đang “sa lầy” với dự án đường 5 kéo dài khi chủ đầu tư làm văn bản “xin” thêm ngân sách số tiền hơn 3.100 tỷ đồng (Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh), nhưng trong năm 2013, Ban quản lý dự án hạ tầng Tả ngạn vẫn đặt kỳ vọng tập trung hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án xây dựng đường Nguyễn Hoàng Tôn, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn II), chung cư cao tầng tại lô 5.B1 khu tái định cư Đông Hội (huyện Đông Anh)…

Dân lo cầu … đoản mệnh

Hiện nay, hai cầu vượt tại các Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng đã hoàn công và đi vào sử dụng từ lâu, tránh được tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, việc xây dựng đường trên cao vành đai 2 nối từ cầu Vĩnh Tuy qua Ngã Tư Vọng đang dấy lên lo ngại cả hai cây cầu vượt này sẽ bị phá bỏ, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng mà ngân sách đã đầu tư cho dự án.

Tuy nhiên, theo đề xuất của Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), tại nút giao cầu vượt Ngã Tư Vọng, tầng 3 – tuyến đường vành đai 2 - sẽ được xây vượt trên cầu vượt hiện tại và tuyến đường sắt trong tương lai. Như vậy, đường sẽ cao 32,8m, tương đương tòa nhà 7 tầng. Với nút Ngã Tư Sở - điểm cuối của đường vành đai 2 trên cao sẽ xây vượt luôn cầu vượt hiện tại và cả tuyến đường sắt đô thị sẽ đi qua đây trong tương lai, tiếp đất qua nút Ngã Tư Sở.

Riêng tại nút Vĩnh Tuy, TEDI đề xuất xây dựng đường dẫn ra vào đường trên cao. Với phần đường dẫn này, để thuận lợi cho phương tiện đi lên đường trên cao, phía tư vấn đề xuất tiếp tục giải phóng mặt bằng ra ngoài chỉ giới đã có hiện nay.

Đường vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở có chiều dài 5,94km. Tuyến đường trên cao này nằm ở tim đường quy hoạch hơn 53m, với quy mô 4 làn xe, rộng 19m.

“Thừa thắng xông lên”, sau thành công với 5 cầu vượt tại các ngã tư Thái Hà – Chùa Bộc, Láng - Lê Văn Lương, Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh, Thái Hà – Láng Hạ và Nam Hồng – Mai Dịch - Nội Bài, Hà Nội tiếp tục cho triển khai xây dựng cầu vượt thứ sáu tại nút giao ngã tư khách sạn Daewoo.

Mấy ngày giáp Tết, công nhân từ hai đầu đường Nguyễn Chí Thanh và Liễu Giai vẫn hì hục làm việc. Máy móc cơ giới cũng được điều động đến, phần không gian nằm sát bờ hồ Ngọc Khánh cũng được bạt đi. Trước đó, UBND Tp. Hà Nội cho hay, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ khởi công xây dựng cầu vượt vĩnh cửu tại nút giao Daewoo.  Theo thiết kế, cầu vượt tại nút giao Daewoo sẽ được xây dựng theo hướng đường Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai, dài khoảng 276m, rộng 17m, có dải phân cách ở giữa rộng 1m để bố trí kết cấu kiểu dáng kiến trúc. Cây cầu dài gần 300m này dự kiến tiêu tốn khoảng gần 310 tỷ đồng.

Giải pháp chống ùn tắc giao thông tại quận Ba Đình cũng đang gây thắc mắc cho nhiều chủ phương tiện hay qua lại nơi này. Bởi, ngay đầu đường Nguyễn Chí Thanh, cầu vượt cho người đi bộ qua đường này mới được xây dựng và đưa vào sử dụng trong một thời gian ngắn. Chưa biết số phận của cầu vượt này có bị “khai tử” hay tiếp tục tồn tại, nhưng ngay phía bên kia cây cầu này (tức vị trí cuối của cầu vượt Nguyễn Chí Thanh – Liễu Giai), công nhân đã cho san nền đường, ra sát mép hồ Ngọc Khánh!

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật VN