Hà Nội tố các bộ ngành vi phạm Luật thủ đô

Cập nhật 06/10/2014 08:39

Theo lãnh đạo Hà Nội, các diện tích đất sau khi di dời trụ sở phần lớn lại đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, trung tâm thương mại, ảnh hưởng lớn đến quy hoạch chung và vi phạm luật Thủ đô.

Theo lãnh đạo Hà Nội, các diện tích đất sau khi di dời trụ sở phần lớn lại đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, trung tâm thương mại, ảnh hưởng lớn đến quy hoạch chung và vi phạm luật Thủ đô.

Đó là một trong số nhiều bất cập được Hà Nội chỉ ra khi báo cáo Chính phủ sau một năm triển khai thực hiện Luật thủ đô.

Liên quan đến công tác xây dựng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết: Việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp còn gặp nhiều khó khăn, do phải tuân thủ về độ cao, mật độ dân cư, mật độ xây dựng theo quy hoạch, cũng như yêu cầu về diện tích tái định cư tại chỗ của các hộ dân, dẫn đến không thu hút được nguồn đầu tư.

Bên cạnh đó, trong năm 2014, Hà Nội đã đầu tư khoảng 28.000 tỷ đồng (trong đó hơn 20.000 tỷ đồng vốn ngân sách của TP) để đầu tư cho các dự án trọng điểm của Hà Nội. Sau khi mở rộng địa giới TP Hà Nội, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn còn khó khăn, nguồn vốn đầu tư hạn chế so với yêu cầu, do đó việc thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách của TP gặp nhiều khó khăn.

Hà Nội phát sinh nhiều tồn tại bất cập sau khi Luật thủ đô có hiệu lực (Ảnh chỉ có giá trị minh họa)

Đối với việc xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, lãnh đạo HN cho rằng, trên địa bàn thủ đô có nhiều trụ sở của các bộ, ngành Trung ương đang thực hiện sắp xếp, di dời. Các diện tích đất sau khi di dời vừa qua phần lớn được đầu tư các công trình nhà ở, trung tâm thương mại, ảnh hưởng lớn đến quy hoạch chung Thủ đô.

Bên cạnh đó nguồn thu tiền sử dụng đất các dự án này được dùng để đầu tư trở lại cho các bộ, ngành chưa phù hợp với quy định của Luật ngân sách nhà nước và điều 15 Luật thủ đô.

Theo ông Sơn, kế hoạch trong thời gian tới đây Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học…trong khu vực nội thành để sẵn sang di dời ra ngoại thành sau khi thủ tướng Chính phủ có quyết định về biện pháp và lộ trình di dời.

Để tháo gỡ khó khăn trong việc chi ngân sách đầu tư cho các công trình trọng điểm của thủ đô, Hà Nội đã đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư một số công trình dự án quan trọng về môi trường, giao thông.

Liên quan đến việc hỗ trợ di dời các cơ sở gây ô nhiễm, không phù hợp với quy hoạch, UBND TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng sửa đổi Quyết định số 86 theo nguyên tắc chỉ hỗ trợ tối đa 50% tiền sử dụng đất thu được tại vị trí cũ để đầu tư các dự án tại cơ sở mới. Phần còn lại ngân sách của các địa phương được hưởng để đầu tư các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực dự án.


DiaOcOnline.vn - Theo VTC News