Chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) được đưa vào sử dụng từ năm 1989 - 1990, có diện tích 3.367m2 đáp ứng nhu cầu kinh doanh của 526 hộ với ngành hàng chủ yếu là bánh kẹo, quần áo, tạp phẩm....
Chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) được đưa vào sử dụng từ năm 1989 - 1990, có diện tích 3.367m2 đáp ứng nhu cầu kinh doanh của 526 hộ với ngành hàng chủ yếu là bánh kẹo, quần áo, tạp phẩm....
Hiện nay, chợ đã xuống cấp do đó quận Hoàn Kiếm đã có phương án xây dựng lại chợ Hàng Da theo hướng trung tâm thương mại gắn với chợ.
Theo kế hoạch, Trung tâm thương mại chợ Hàng Da được xây dựng 4 đến 5 tầng nổi và từ 2 đến 3 tầng hầm, được khởi công xây dựng chậm nhất vào đầu tháng 11 năm 2007.
Tuy nhiên, tiểu thương chợ Hàng Da chưa đồng tình việc xây dựng chợ mới. Lý do của bà con đưa ra là, mặc dù có phương án xây dựng lại chợ từ lâu nhưng đến ngày 6/8/2007, Ban quản lý chợ Hàng Da và UBND quận Hoàn Kiếm mới chính thức thông báo xây dựng Trung tâm thương mại chợ Hàng Da tới các tổ trưởng, tổ phó ngành hàng và không công bố nội dung các quyết định của UBND thành phố Hà Nội liên quan đến việc xây dựng chợ.
Bà con cũng kiến nghị chỉ nên xây dựng chợ dân sinh, đảm bảo hiện trạng như cũ, các kiốt tầng 1 quay mặt ra đường, không được xây lắp kính xung quanh. Đồng thời, bà con cũng có nguyện vọng được đóng góp vốn với chủ đầu tư để xây dựng lại chợ.
Được biết, bà con kinh doanh chợ Hàng Da đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên Ban quản lý chợ, UBND quận Hoàn Kiếm, UBND thành phố Hà Nội đồng thời thuê cả luật sư tư vấn pháp luật cho mình trong việc khiếu nại xây dựng lại chợ.
Làm việc với Ban quản lý chợ Hàng Da, ông Nguyễn Văn Phòng, Trưởng ban cho biết: Việc xây dựng lại chợ Hàng Da theo hướng trung tâm thương mại gắn liền với chợ là phát triển thương mại văn minh, hiện đại theo chủ trương của thành phố đồng thời đầu tư theo hướng xã hội hóa. Khi xây dựng lại chợ mới, bà con tiểu thương được tái kinh doanh và để đảm bảo lợi ích cho bà con, chủ đầu tư có thể sắp xếp theo ngành hàng, vị trí như cũ.
Riêng về nguyện vọng bà con được góp vốn đầu tư nhưng hiện nhà đầu tư đã có đủ kinh phí xây dựng. Ông cũng cho biết: bà con muốn quay kiốt ra ngoài mặt đường nhưng Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội khẳng định không thể thực hiện để đảm bảo văn minh đô thị, do đó khi thiết kế nhà đầu tư và các ban ngành liên quan đã tính đến thiết kế cửa kính và hành lang rộng để thuận lợi kinh doanh.
Được biết, nhà đầu tư đã hỗ trợ thành phố 3 tỷ đồng và hỗ trợ quận Hoàn Kiếm xây dựng chợ tạm. Việc xây dựng chợ mới phải đảm bảo lợi ích của người kinh doanh, Nhà nước và nhà đầu tư.
Tuy nhiên khi hỏi: tại sao phương án xây dựng chợ Hàng Da đã có từ lâu nhưng bây giờ mới công khai cho bà con. Ông Phòng cho biết: "đây không phải là lần đầu bà con mới biết, thông tin này đã công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng từ lâu" và ông cũng khẳng định: "Bà con muốn biết nội dung các quyết định của thành phố thì phải lên Quận hỏi, Ban quản lý chợ không có thẩm quyền cung cấp cho bà con".
Thông qua cuộc họp tổ chức ngày 6/8, bà con đều rất bức xúc với cách làm việc của quận Hoàn Kiếm và Ban quản lý chợ Hàng Da. Nếu sự việc không được tháo gỡ kịp thời dự án Trung tâm thương mại chợ Hàng Da sẽ dễ bị chậm tiến độ xây dựng.
Theo TTXVN