Hà Nội thừa nhận quy hoạch đô thị mới quá manh mún

Cập nhật 23/11/2007 15:00

Công tác quy hoạch các khu đô thị, khu tái định cư còn manh mún, thiếu đồng bộ, công tác quản lý yếu kém, thiếu kiên quyết. UBND TP. Hà Nội công nhận sáng...

Công tác quy hoạch các khu đô thị, khu tái định cư còn manh mún, thiếu đồng bộ, công tác quản lý yếu kém, thiếu kiên quyết. UBND TP. Hà Nội công nhận sáng (22/11) những kết luận của Ban văn hóa - xã hội HĐND sau đợt giám sát về xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý sau dầu tư tại các khu đô thị mới (KĐT mới).

Đây là lần đầu tiên, HĐND và UBND TP. Hà Nội tổ chức hội nghị sau khi kết thúc một đợt giám sát ở các khu đô thị mới Việt Hưng, Trung Hòa - Nhân Chính, Mỹ Đình 1, Bắc Linh Đàm và khu tái định cư Nam Trung Yên.

Tuy nhiên, đại diện cơ quan quản lý quan trọng là Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Xây dựng không có mặt.

Lợi ích doanh nghiệp cao hơn lợi ích dân

“Tôi cho rằng, khi duyệt một dự án, thành phố phải phê duyệt tổng thể, chứ ở Trung Hòa - Nhân Chính, rất thiếu chợ, trường, cơ sở y tế,. Ở khu Mỹ Đình, không có chỗ nào để hội họp trên 100 người. Tầng 1 các khu nhà đều cho thuê để kinh doanh hết, chủ đầu tư không quan tâm đến quyền lợi của người dân”, đại biểu Phạm Thị Thành, thành viên đoàn giám sát cho biết.

Bà Thành cũng đề nghị UBND thành phố phải “nghĩ xa hơn” khi phê duyệt các dự án khu đô thị mới, nhất là phải nghĩ đến việc xây dựng những công trình thể thao, văn hóa, như các nước phát triển đã làm với các đô thị vệ tinh.

Một thành viên khác của đoàn giám sát, ông Vũ Mạnh Hải cũng cho rằng, Sở Quy hoạch Kiến trúc phải “đi trước một bước” trong quy hoạch.

Ông Hải nêu đề nghị cụ thể: “Đến khu Nam Trung Yên, tôi rất băn khoăn cho cái thang máy, nó quá hẹp, nếu có người ốm đau cần cấp cứu hay ma chay là không thể đưa băng ca vào được”.



Dù có nhiều khu đô thị mới nhưng quy hoạch
của Hà Nội vẫn manh mún, lộn xộn. Hà Nội
chưa có được một khu đô thị quy hoạch hiện
đại như Phú Mỹ Hưng của TP.HCM.


Ông Hải cho biết, khi đi giám sát, đoàn đã nghe rất nhiều bức xúc của người dân và lãnh đạo địa phương về chất lượng các công trình và việc thiếu phối hợp giữa các chủ đầu tư với chính quyền trong giai đoạn sau giải phóng mặt bằng: thiết kế, thi công, hoàn thiện các khu đô thị mới.

"Ở quận Hoàng Mai, người dân phát biểu rất gay gắt, họ nói có nhiều công trình, trong thiết kế có các công trình công cộng, nhưng không hiểu sao đều nằm ở những khu vực khó giải tỏa như nghĩa trang. Lẽ ra, phải có đủ trường học, chợ dân sinh, trạm xá ngay khi dân vào ở".

Về vấn đề thiếu trường học tại các khu đô thị mới, bà Ngọc Minh, Bí thư quận ủy Thanh Xuân, nơi có khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, nêu một thực trạng: Không phải không có trường, nhưng trường học đều có học phí cao, dân thường không đưa con vào học được.

Hà Nội đang triển khai xây dựng 38 khu đô thị mới với tổng số hơn 300 nhà ở cao tầng. 6 khu đã cơ bản đi vào sử dụng. 17 khu đang xây công trình, cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật 15 khu đang xây hạ tầng kỹ thuật, chưa xây dựng công trình.


Sẽ có cơ chế khuyến khích đầu tư vào công trình công cộng

Đại biểu HĐND Bùi Thị An đề nghị: Thành phố phải có chế tài, sau kiểm tra định kỳ có thể 6 tháng/lần của HĐND, nếu thấy thiếu các hạng mục công trình công cộng thì phải yêu cầu xây bổ sung trong một thời hạn nhất định. "Nếu quá thời hạn mà chủ đầu tư không làm thì có thể giao dự án cho chủ đầu tư khác, hoặc chủ đầu tư không được nhận một dự án nào nữa. Chúng ta phải lấy chất lượng sống của dân là mục tiêu cao nhất", bà An nhấn mạnh.

Lãnh đạo UBND các quận Long Biên, Hoàng Mai cũng đồng quan điểm này và cho rằng, riêng trường mẫu giáo và tiểu học, nên giao cho quận làm chủ đầu tư và phải có quy hoạch chợ dân sinh. "Siêu thị, trung tâm thương mại chỉ phục vụ đối tượng thu nhập cao".

Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Lê Quang Nhuệ nói: Thành phố phải chấn chỉnh ngay những bất cập mà nguyên nhân chủ yếu thuộc về chủ quan, có nhiều kẽ hở khi phê duyệt dự án, buông lỏng giám sát, đặc biệt không được cấp đất nhỏ lẻ cho nhiều nhà đầu tư trong một khu đô thị.

"Mỗi chủ đầu tư chỉ quan tâm xây nhà chung cư, không cần biết đến cây xanh, bãi đỗ xe, trường học thì phải gọi là "xé nát" đô thị mới đúng", ông Nhuệ khẳng định.

Tiếp thu những ý kiến của HĐND, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi cho biết, thành phố sẽ họp chỉ đạo các ngành, các cấp, với tinh thần sẽ rà soát lại các khu đô thị mới, có phương án bổ sung diện tích cây xanh và công trình công cộng, nhất là các dự án đang và sẽ được xây dựng.

"Các ngành, các cấp sẽ rà soát, trình thành phố bổ sung hoặc ban hành mới các quy định về trách nhiệm phối hợp với chính quyền của các nhà đầu tư, giám sát của cộng đồng dân cư và với công tác quy hoạch, tránh manh mún, chia nhỏ.

Một quyết định quan trọng được ông Khôi thông báo: Hà Nội sẽ xác định cơ chế giúp khuyến khích các nhà đầu tư xây các công trình phục vụ lợi ích công cộng như trường học. "Không phải để thu hồi vốn mà cứ thu học phí cao. Thành phố sẽ cân đối cho các nhà đầu tư ở các dự án khác", ông Khôi hứa.

Nhiều khu đô thị mới thiếu bãi đỗ xe, trường học, chưa quy hoạch hợp lý hệ thống cứu hỏa, do nhiều nguyên nhân: Hệ thống chính sách chưa theo kịp đô thị hóa, quy hoạch manh mún, quản lý nhà nước thiếu kiên quyết.

Một số dự án đặt lợi ích của doanh nghiệp cao hơn lợi ích của nhà nước, cộng đồng.

Báo cáo giám sát của Ban văn hóa - xã hội HĐND thành phố.



Theo VietNamNet