Hà Nội sẽ thu hồi dự án nhà thu nhập thấp chậm tiến độ

Cập nhật 16/07/2015 08:46

Trước thực trạng nhiều dự án đã có quyết định cho phép chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở thu nhập thấp nhưng vẫn chưa được triển khai thực hiện, chính quyền TP Hà Nội cho biết sẽ thu hồi những dự án chậm tiến độ thuộc diện này.

Trước thực trạng nhiều dự án đã có quyết định cho phép chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở thu nhập thấp nhưng vẫn chưa được triển khai thực hiện, chính quyền TP Hà Nội cho biết sẽ thu hồi những dự án chậm tiến độ thuộc diện này.

HN quy định phí chung cư cao nhất là 16.500 đồng/m2. Ảnh minh họa: Vân Ly

Để việc xây dựng các dự án nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội trong năm 2015 và các năm sau đó được triển khai thuận lợi, TP Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng đốc thúc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, thực hiện tốt các dự án được phép chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở dành cho người thu nhập thấp, đảm bảo yêu cầu chất lượng cũng như tiến độ đề ra.

Trong trường hợp chủ đầu tư quá chậm tiến độ, Hà Nội sẽ thu hồi dự án và bàn giao cho các đơn vị khác thực hiện.

Được biết, cách đây 2-3 năm, trong giai đoạn thị trường bất động sản trầm lắng, sức mua kém, hàng chục dự án nhà ở thương mại trên địa bàn Hà Nội đã xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội nhưng đến nay phần lớn trong số đó vẫn không được triển khai.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2013 và 2014, Hà Nội có 9 dự án nhà ở thu nhập thấp được chấp thuận đầu tư với 6.146 căn hộ, trong đó 8 dự án được thành phố chấp thuận đầu tư đang được các chủ đầu tư tiến hành xây dựng và cam kết thời gian hoàn thành, và 1 dự án được UBND cấp huyện phê duyện hiện chưa được triển khai.

Bên cạnh đó, ba dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư với 654 căn hộ, tương đương khoảng 66.592 m2 sàn xây dựng cũng đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.

Tuy nhiên, một số dự án nhà ở thu nhập thấp đã được Hà Nội chấp thuận chủ trương, cho phép đầu tư nhưng chậm thực hiện như dự án nhà ở Bắc An Khánh do Tổng công ty Vinaconex và Tổng công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư; dự án Thanh Lâm, Đại Thịnh do Tập đoàn phát triển Nhà và đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư; dự án nhà ở thu nhập thấp tại Đông Anh của Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội...

Hà Nội yêu cầu các chủ đầu tư dự án chủ động báo cáo các khó khăn về các sở, ngành để được hỗ trợ, giải quyết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư, sớm triển khai dự án, hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Được biết, thực hiện Thông tư số 02/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, Hà Nội đã xem xét việc chuyển đổi mục đích từ nhà thương mại sang nhà xã hội cho 19 dự án với 11.824 căn hộ.

Phí chung cư cao nhất là 16.500 đồng/m2

Cũng liên quan đến chung cư, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội vừa công bố khung giá dịch vụ chung cư tại địa bàn thành phố; theo đó mức phí chung cư cao nhất mà các chủ đầu tư có thể thu của các hộ dân là 16.500 đồng/m2.

Cụ thể hơn, với chung cư không có thang máy, Hà Nội quy định khung giá dịch vụ tối đa là 5.000 đồng/m2, tối thiểu là 450 đồng/m2. Còn với nhà chung cư có thang máy, khung giá tối đa là 16.500 đồng/m2, tối thiểu là 800 đồng/m2. Khung giá này không bao gồm các dịch vụ bể bơi, tắm hơi, sân tennis và những dịch vụ cao cấp khác.

Hà Nội cũng quy định, đối với những trường hợp có nguồn thu từ kinh doanh những dịch vụ thuộc phần sở hữu chung, nguồn thu sẽ được tính toán để bù đắp chi phí dịch vụ để giảm giá dịch vụ nhà chung cư.

Được biết, Hà Nội ra quy định này để các chủ đầu tư có “tiêu chuẩn” thực hiện, tránh tình trạng chủ đầu tư các dự án chung cư tự quy định mức giá cao, gây bức xúc cho các hộ dân cư  như thực tế đã có một số trường hợp diễn ra tại Hà Nội.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG